Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

Chờ tết...

     Con bé tất bật tìm kiếm trên các trang thông tin cần người phục  vụ cho các dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí trong những ngày nghỉ chuẩn bị đón năm mới. Năm nay các thông tin tìm người làm không còn rầm rộ như những năm trước, dịch bệnh đã làm cho nhiều người phải thất nghiệp, khó khăn càng khó khăn hơn và nó càng không tránh khỏi, một sinh viên mới học năm ba còn đang trên ghế giảng đường. 
    Hình ảnh mẹ nó, người phụ nữ gầy đét, gương mặt khắc khổ với đôi mắt lúc nào cũng đượm buồn theo suốt cuộc đời của nó. Nỗi vất vả của mẹ với hai đứa em còn thơ dại tại quê nhà làm trong nó lúc nào cũng khắc khoải lo âu. Tiền học phí, tiền ăn hàng ngày nó phải tự lo và nó còn phải chắt mót tằn tiện gởi về quê cho mẹ lo cho hai em. Nhiều lúc nó rất mệt mõi và quá áp lực với vai trò trụ cột gia đình, sống giữa một thành phố ồn ào, náo nhiệt nhưng canh cánh bên lòng là nghĩ về một miền quê xa ngai ngái với mọi lần định về thăm là đau đáu với tiền xe quá đỗi.
    Công việc phục vụ ăn uống tại các nhà hàng, khách sạn nó đã làm được nhiều năm nhưng không hiểu sao mỗi lần nhìn hình ảnh các gia đình đầy đủ vợ chồng con cái dắt tay nhau vào ăn uống, nó không khỏi chạnh lòng. Trong mắt họ lấp lánh niềm hạnh phúc viên mãn và con họ, những đứa trẻ bằng tuổi em nó với gương mặt hồn nhiên thật dễ thương. Mỗi khi tính tiền thanh toán cho họ, nhìn trên bàn còn dư thừa thức ăn nó tiếc ngẩn ngơ, nó lại nghĩ đến hai đứa em của nó còn thiếu thốn rất nhiều, nỗi xót xa cứ giằng xé trong nó, nó tự nhủ với bản thân, phải cố găng, cố gắng thật nhiều để các em phần nào không thiếu thốn như hiện nay. 
    Yêu cầu khi phục vụ cho khách lúc nào cũng phải tươi cười, nhưng tận đến bây giờ trong sâu thẳm cứ mỗi lần gởi bill đến cho khách là trong nó có một cảm giác thật khó tả lại ùa về, một cảm giác buồn, tự ti, mặc cảm; mặc dù theo thời gian, nghị lực sống đã dạy cho nó sự cứng cỏi làm chủ cảm xúc nhưng mọi khi nhìn thấy hình ảnh các món ăn còn trên bàn của khách nó vẫn không thể làm chủ cảm xúc của mình được...hình ảnh căn nhà chấp vá, tuềnh toàng với bóng đèn điện vàng héo hắt, một bữa cơm chiều muộn với tiếng cóc nhái ễnh ương bên ngoài và rồi mẹ nó, hai em nó bên mâm cơm chỏng chơ một đĩa rau luộc, một tô nước rau luộc thay canh, một bìa đâu kho mặn hay trứng vịt luộc dầm mắm...Còn đối với nó, thắt lòng mỗi khi bưng thức ăn ra cho khách, món ăn nóng bốc khói nghi ngút, màu sắc thì tươi ngon mà khi đó cái bụng của nó lại kêu cồn cào, ai nói phải nghị lực, dũng cảm đâu xa, trong lúc này đây nó phải có một gương mặt thật tươi tắn, nụ cười lúc nào cũng phải nở trên môi và nhất là khi gấp thức ăn cho khách, nó phải thật khéo léo, điêu luyện không làm thức ăn đổ ra ngoài, mỗi phần ăn trong chén phải đều nhau, gọn gàng, mỗi động tác, cử chỉ phải hết sức nhẹ nhàng, duyên dáng, đó là yêu cầu tất yếu khi phục vụ cho khách nó phải thuộc nằm lòng. Khi khách vừa dùng thức ăn vừa trò chuyện nó phải đứng ra phía sau để chờ xem khách cần gì phải phục vụ kịp lúc. 
    Không hiểu sao phòng ăn với ánh đèn Led màu vàng ấm cúng, ánh đèn làm cho gương mặt mọi người đẹp hơn, mềm mại hơn nhưng vẫn không làm cho nó bớt nhớ về ánh đèn vàng hiu hắt ở quê nhà, nhiều khi nó tự nghĩ mình như một con robot, ngoài miệng thì cười tươi nhưng trong lòng lúc nào cũng canh cánh về một nơi thật xa... nhưng nơi đó hết sức thân thương, gần gũi với nó, cái nơi xa lắc xa lơ mà mỗi khi nhắc đến người thành phố có khi không hề biết và cũng chưa hề nghe, vì đó là vùng quê của một xã nghèo heo hút nhưng cũng rất bình yên đối với nó và gia đình nó, nếu như không có những trận lũ lụt kinh hoàng, những trận bão khốc liệt tàn phá hàng năm...
    Đâu rồi những thông báo tuyển người làm như các năm trước đây, đâu rồi sự cân nhắc tính toán thiệt hơn chổ này tiền công cao hơn, chổ kia đi làm phải xa hơn, phải trực đêm hơn ...còn gì nữa, cũng có thể năm nay nó không về đón tết với mẹ và em, vì dịch bệnh đã làm nhiều người mất việc, kinh doanh thì ế ẩm, còn sinh viên như nó học phí vẫn phải đóng, tài liệu vẫn phải mua, ngày hai bữa vẫn phải đủ để có sức lên giảng đường, có sức để làm thêm. Có thể năm nay nó sẽ lại ở ký túc, nó đã từng ở lại ký túc nên nó thấm thía cảm giác xa nhà, cô độc trong giờ phút thiêng liêng của năm cũ bước sang năm mới, nó thấm thía cảm giác đêm ba mươi chạy ráo riết về phòng ký túc sau giờ dọn dẹp cửa hàng cho chị chủ. Ban quản lý ký túc ân cần chuẩn cho những hoàn cảnh sinh viên khó khăn như nó, không tiền về quê ăn tết. Trong mùi hương lan tỏa của nén nhang cúng trên bàn thờ đầu năm, màu vàng rực của cành mai nở rộ, màu xanh của cặp bánh chưng và màu đỏ của hộp bánh mứt trên bàn...sự chuẩn bị cho ngày tết với bao nhiêu đó thôi đối với mọi người thật giản đơn nhưng đối với những đứa con xa xứ như nó không dễ để thực hiện"hình ảnh mỗi năm mọi người chỉ chuẩn bị một lần trong ngôi nhà thân yêu của mình nhưng sao thực hiện khó quá !' Nó bất lực, mặc dù nghị lực nó dư đủ để đương đầu với khó khăn. Cắn chặt môi, kìm nén tiếng khóc, văng vẳng tiếng chúc tết của chủ tịch nước, tiếng nhạc xuân trong tivi... tất cả đều vỡ òa trong nó: " Mẹ ơi ! tết này con không về !" đó là tâm trạng của nó khi có năm không thể về quê ăn tết với mẹ và các em.
    Người thành phố đã dần quen với cuộc sống khi phát hiện nơi đâu có dịch bệnh, vẫn cách ly theo quy định, vẫn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài ...nhưng tốc độ chuẩn bị cho một năm tết đến không còn cái nhộn nhịp, quay cuồng như những năm trước đây. Các thông tin tìm người phục vụ còn thưa thớt, các cửa hàng, siêu thị, các khu trung tâm vui chơi không tuyển người rầm rộ như mọi năm. Tiền trang trãi cuộc sống sinh viên, tiền quà tết cho mẹ chuẩn bị mâm cơm tươm tất cúng ông bà, tiền mua cho hai em bộ đồ mới xúng xính trong ngày đầu năm và nhất là trước khi nó trở lên thành phố nó dúi hết khoản tiền còn lại trong túi đưa cho mẹ để lo cho các em sẽ không thực hiện được nếu như tình hình như hiện nay.
    Phải về, phải về...vì quê nhà vừa trãi qua trận lũ kinh hoàng, phải về dù nơi đó có tan thương cỡ nào, phải về vì mái nhà của nó đã xiêu vẹo nay còn xiêu vẹo hơn, phải về để nắm bàn tay chai cứng của mẹ, xoa lên hai má sạm nắng của hai đứa em, phải về để nếp nhà vẫn ấm cúng, thềm nhà loang lỗ nhưng vẫn là thềm nhà của mình.
    Đêm ba mươi tết trên bàn thờ ông bà sẽ có nhánh mai vàng, có căp bánh chưng, có hộp mứt gừng và em nó sẽ xúm xít trong bộ đồ mới mặc dù rẻ tiền. Tiếp tục tìm thông tin, tiếp tục tìm kiếm, chạy ngang một cửa hàng tiếng nhạc xuân rộn ràng vang lên, trong nó thôi thúc căng tràn nhiệt huyết sức trẻ, nó thầm gọi "Mẹ ơi ! chờ con mẹ nhé !"./.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                         Bảo Nghi








Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2020

Hoa trong bão

          Trong cuộc đời, chị đã trãi qua bao thăng trầm sóng gió nhưng một biến cố xảy đến mà trong tâm khảm của mình không bao giờ chị quên được, đó là những ngày chị vào thành phố nuôi má mình bệnh nhưng lại nhận điện thoại của con gái " Mẹ ơi, con bị tai nạn rồi". Giọng nói của con bé trong điện thoại vừa thổn thức vừa ngắt quảng, chị nghe điếng hết cả người và cảm giác như mình không thể nào thở được, đất trời như tối sầm lại trong mắt chị, cố gắng chị bắp bắp hỏi con " có bị trên đầu không con ?" khi con bé nói nó bị gãy chân thì chị mới cảm thấy mình thở được đôi chút, cố gắng hết sức chị hỏi thêm con nhưng có ai đó cầm máy của con bé trả lời cho chị, tình hình thế nào, đang ở đâu...và chị chỉ nhớ mang máng rằng, cậu mợ ba của con bé đưa chị lên xe và chảy thẳng đến bệnh viện. Ngồi trên xe chị không còn biết gì nữa cả, chỉ biết rằng trong lòng gào lên một câu hỏi " con làm gì nên tội mà gia đình con xảy ra nhiều biến cố như vậy, hãy cho con gánh tất cả đi đừng bắt bọn trẻ chịu thêm điều gì nữa cả". 
       
   
                                                                                                            Sưu tầm
            Theo yêu cầu cậu ba của nhỏ, xe cấp cứu đưa nhỏ vào ngay Chợ Rẫy, xe nhà vừa đến thì xe chở nhỏ cũng vừa vào đến cổng bệnh viện, trên băng ca con gái với gương mặt trắng xanh, mái tóc dài xỏa bung, nhìn con không riêng mình chị mà ngay những bác sĩ, y tá và thân nhân người bệnh đứng xung quanh ái ngại và xót xa, chị nghe loáng thoáng "con bé xinh quá mà sao đến nông nỗi..". Nhìn con chị không biết phải làm gì để xoa dịu cơn đau, nỗi sợ hãi cho con nhưng con bé trong phút giây gặp mẹ và câu mợ đã kìm nén nỗi sợ và nắm chặt tay mẹ. Trong khi đó cậu lái  chiếc xe bus có liên quan đến việc con bé bị té ngã gãy chân thì chờ lúc con bé được đưa vào phòng cấp cứu thì mới rón rén đến trước mặt chị " chị ơi, cho em xin lỗi, do hai thằng chạy xe ép con gái chị nên cô bé loạng choạng té ngã và chiếc xe Lead nặng đè lên chân làm cháu bị gãy xương đùi, lúc đó xe em trờ đến sướt ngang chứ không có gì cả nhưng cảnh sát giao thông cũng giữ xe em lại chị à..." Chị nghe cậu ấy nói nhiều lắm nhưng chị không để tâm mà chị chỉ tập trung lo cho con gái của mình, chỉ đến khi tất cả các thủ tục giấy tờ, chụp hình và đưa con gái vào phòng để chờ ngày mổ thì chị mới tỉnh tâm đôi chút. Lúc ấy chị mới nhìn kỹ người đàn ông lái xe bus có liên quan đến vụ tại nạn, đó là một gương mặt khắc khổ, đen sạm, quần áo xốc xếch, lam lũ, cậu ấy cứ đi theo chị, rồi ngồi kề bên cũng đau đáu nhìn vào phòng con bé, lo sợ gia đình chị kiện tụng vì chiếc xe của con gái chị và chiếc xe bus đã bị công an giữ lại, chị nói với cậu ấy: Con gái chị bị gãy chân không có vấn đề gì trên đầu là chị mừng lắm rồi, chị sẽ nói rõ với công an không yêu cầu em phải đền bù chịu trách nhiệm gì cả, cứ an tâm đi". Khi nói như vậy, cậu ấy đã nắm chặt hai bàn tay chị sụp xuống nói trong nước mắt " Em đội ơn chị, nhưng chị cho em gánh một phần chi phí lo cho cháu. Chị rất hạnh phúc khi có một cô con gái như thế, bé vừa xinh xắn mà rất lễ phép chị à, khi bé ngã xuống mọi người bu lại đưa bé vào trong lề đường và kiếm cây để nẹp tạm ngay đùi bị gãy, trong lúc đau đớn không lo cái chân mà bé quay qua hỏi em, chú ơi, xe của con có sao không chú, xe đó của mẹ con cho, nghe đến đó em thấy thương cô bé vô cùng, tính mạng mình không lo nhưng lo sợ chiếc xe".
           
       
                                                                                                          Sưu tầm

            Trong bệnh viện con bé được mọi người quan tâm nhiều nhất, vì trong khoa này toàn đàn ông con trai bị tai nạn, tự nhiên ở đâu lại có một con bé trẻ trung, thanh xuân ngời ngời mà phải mổ chân, mỗi lần những bác sĩ của bệnh viện nhất là những bác sĩ nam thực tập kéo đến là chị đau nhói trong lòng, tại sao con gái mình phải trong hoàn cảnh éo le thế này. Nghe các cô hộ lý kể lại, khi bác sĩ mở nẹp cắt cái quần Jean con bé đang mặc, thì con bé la lên " Bác sĩ ơi, đừng cắt cái quần của con", mọi người xung quanh ai cũng phì cười trước câu nói của con bé, sau này nhỏ nói lại với mẹ, cái quần con mới mua mẹ à, mà bằng tiền tháng lương đầu tiên con đi làm đó mẹ. Thế đấy, mọi câu chuyện của con gái lại càng làm mẹ đau lòng.
           Ngày đưa con về Ninh Thuận tập vật lý trị liệu là những ngày con gái nỗ lực hết sức và rất kiên cường, nếu như gia đình cứ nghĩ con gái ở bên cạnh mẹ sẽ được an ủi, động viên nhưng ngược lại con gái lại cứng rắn và tươi vui mặc dù những ngày này vừa tập liệu đau đớn, vừa ở nhà một mình vì mẹ phải đi làm. Chiều nào chị cũng tất bật sắp xếp để về sớm để chở con gái dạo biền, khi đèn mọi nhà đã sáng hai mẹ con vẫn còn chạy suốt dọc biển, trên đường đi con gái nói rất nhiều, nói về những dự định công việc sắp tới, an ủi lại mẹ " mẹ không buồn và lo nha mẹ, mình có rủi nhưng vẫn còn may mắn hơn nhiều người, con cố gắng tập thật tốt để vào ngay thành phố làm việc, mẹ thấy không, con may mắn được tuyển dụng trong một công ty lớn vì trãi qua bao lần thi và phỏng vấn, điều đó là động lực lớn để con phấn đấu..." Con gái nói nhiều lắm, càng thấy con gái mạnh mẽ hơn mẹ nhiều. !". Cầu mong may mắn vẫn sẽ đến thật nhiều với con.
       
                                                                     
                                                                                                                   Sưu tầm

            Nếu như bác sĩ dự đoán phải sáu tháng con gái chị mới phục hồi và đi đứng bình thường nhưng nhờ ơn trên chỉ hai tháng sau con gái bắt đầu đến công ty làm việc, với bộ đồng phục của công ty, gương mặt rạng ngời không ai biết rằng con gái chị đã phải trãi qua một cuộc phẩu thuật và tập luyện đầy cam go, đau đớn. Bà của con gái nhớ lại: Con bé này nó tự tin ghê gớm, khi mấy đưa bạn gái đến thăm rồi rủ đi xem phim, nó thay đồ và chống hại cây nạng đi liền, mặc cho ông bà can ngăn, thôi ở nhà đi con, chỉ sợ nó ra đường mặc cảm khi mọi người nhìn thấy con gái với hình ảnh chống hai cây nạng như thế, nhưng không, nó nói với bà " Không sao đâu bà, con đi với bạn cho vui ở nhà buồn lắm bà ạ ". 
        Bà ra mở cửa cho cho chúng đi, nhìn theo đám trẻ ấy bà nói " cháu gái bà mặc dù chống nạng nhưng đẹp nhất, rang ngời nhất" nhìn trong mắt cháu gái bà thấy lấp lánh sự tự tin, tươi trẻ cố hữu của cháu gái. Bà nói với chị " Hoa trong bão đấy con !". Càng nghĩ chị càng thấm câu nói cùa má mình./.
                                                                                                                             Bảo Nghi


Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2020

Đi..để trở về !!!


Thế là anh đã về, về lại nơi chôn nhau cắt rốn, về lại nơi hằn in dấu kỷ niệm tuổi ấu thơ, về với những tháng ngày tuổi trẻ với bao hoài bão ước mơ, về nơi ghi dấu những rung động đầu đời, những kỷ niệm trong trẻo của thời niên thiếu với tháng ngày khó khăn chung của đất nước. Dù rằng mọi thứ đã thay đổi nhưng trong anh vẫn vậy, vẫn dành thật nhiều tình cảm con người, cảnh vật mộc mạc hiền hòa nơi đây. Vẫn giọng nói ngọt như mía lùi của cô gái miền tây, vẫn cái giọng nhão như cơm nếp mới không lẫn vào đâu được. Thế đó, với biết bao thăng trầm cuộc sống con người phải tự vươn lên để sinh tồn, để bước tiếp phía trước tuy rằng đôi khi trong một phút giây nào đó lại chạnh lòng, trăn trở tự hỏi bản thân rằng mình đã chọn đúng hướng đi chưa. Cuộc sống có lúc làm anh quên đi cái nơi mình đã từng sinh ra và lớn lên, nhiều khi bên kia ở nữa vòng trái đất nữa đêm chợt thức giấc muốn nghe tiếng đập cánh cất giọng gáy vang của con gà trống sau hè, chợt thèm mùi bánh tráng khoai mì nướng, mùi lá dừa khô cháy tí tách, mùi ấm trà được pha vào lúc rạng đông khi ánh sao mai còn lặp lòe trên ngọn tre đầu làng. Với nào bơ, nào sữa..qua bao nhiêu năm tháng bên trời tây vẫn không làm anh quên nồi canh chua cá lóc đồng,nồi cá linh kho lúc nào cũng có trên bếp than hồng, cái món ăn dân dã nghèo khó một thời nhưng giờ đây là đặc sản nhà hàng.

Sưu tầm
          Về rồi, về để được thăm, được gặp, được hoài niệm, vất bỏ những bộn bề lo toan cơm áo gạo tiền, về để được nhìn, được nghe những ký ức ngày xưa, dù rằng bây giờ với tốc độ đô thị hóa đã làm thay đổi rất nhiều. Nếu như từ thành phố về cái nơi mà nổi tiếng có bến Ninh Kiều thì nay phải đi trên con đường cao tốc rộng thênh thang, còn hai chiếc phà Mỹ Thuận, Cần Thơ thì đã đi vào dĩ vãng của những người con miệt vườn, hai chiếc phà là cứu cánh là mảnh đất màu mỡ của những người lao động chân đất buôn gánh bán bưng, hai chiếc phà đã in đậm sâu sắc vào đời sống của những người dân quê và thành thị của chín tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hai chiếc phà là biểu trưng của nền văn hóa sông nước....rồi thì vẫn chỉ là quá khứ.  Đi là để trở về, chưa bao giờ anh thấy tâm trạng mình đúng như lúc này, vẫn còn đó tấm chân tình của mọi người, vẫn còn đó ngôi trường ngày xưa, vẫn còn đó khu chợ nhỏ dọc con sông với vô vàng thức ăn miệt vườn, còn nhiều lắm lắm không thể nào kể siết...
Sưu tầm

            Kêu một ly cà phê đen ngồi trong một góc khuất của một quán cóc lọt thỏm giữa hai tòa nhà cao tầng để tìm lại khoảng lặng giữa ồn ào phố thị, nơi đây biết bao kỷ niệm để khi vươn ra biển lớn anh lại nhớ quay quắt những con rạch nhỏ miền sông nước mỗi mùa tết với bao là ghe chở đầy hoa cúc vàng hoa vạn thọ, đâu rồi giọng ca cải lương của danh ca Út Trà Ôn với tình anh bán chiếu, hay ngồi trên ghe với chợ nổi Cái Răng để thấm thía từng câu chữ của điệu Dạ cổ hoài lang… anh nhớ nhiều nhiều lắm.. nhớ thằng bạn thân, cái thằng ốm tong teo nhỏ con nhưng giờ nhìn lại hình ảnh ngày xưa của nó một trời một vực, với đầu trọc, bụng phệ chỉ duy tính tình của nó vẫn vậy. Hôm anh tìm con hẻm nhỏ để đến nhà thăm mẹ nó, ngôi nhà lá ngày xưa nhiều khi nhìn lên mái nhà là thấy ánh nắng chiếu vào và trời mưa thì ôi thôi bao nhiêu thau chậu nhà nó đem ra để hứng nước mưa đổ xuống, con hẻm vẫn vậy, vẫn ngoằn ngoèo như cũ cách đây mười năm nhưng được cái bây giờ ít rác rưởi, ít ngập nước khi mùa mưa, những ngôi nhà dọc con hẻm giờ được sửa sang khang trang hơn không còn hình ảnh những căn nhà chấp vá tềnh toàng với những gì có sẵn như thùng giấy, tàu lá dừa để tận dụng vá víu và nhà nó cũng không ngoại lệ. Dù là như thế nhưng ngôi nhà nhỏ của thằng bạn thì lúc nào cũng rộn ràng tươi trẻ, vì nhà nó có ba chị em, một bà chị và cô em gái được sinh năm một nên sàng sàng tuổi như nhau, nên đó cũng là vấn đề trong ngôi nhà nhỏ ấy, vì chị em chỉ hơn nhau mấy tháng tuổi nên có khi chị em bất phân vai vế, bà chị nhiều khi còn bị thằng em la té tát ...ôi những tháng ngày hồn nhiên giờ quay lại là không thể nhưng vẫn là ký ức đẹp.
Sưu tầm

           Ngày về ghé thăm nhà bạn anh không gặp ai chỉ có vợ chồng cô em út của thằng bạn, cái cô bé có đôi mắt lanh lợi tròn xoe và vui tính, mỗi lần đến chơi anh thường trò chuyện, còn bà chị của thằng bạn thì họa hoằn mới gặp trong dip lễTết hay nghỉ hè của năm đại học. Ôi, mà cái bà chị già, khó gần ít cởi mở nên anh cũng không quan tâm chỉ vài câu chào hỏi xã giao cho có lệ. Giờ thì ai cũng có hai màu tóc trên đầu, bon chen, phấn đấu để tương lai con trẻ tốt hơn ba mẹ, ở đâu cũng phải cày lưng làm việc, nhiều khi chợt quay lại nhìn phía sau mình đã đi xa, mỗi người với một hướng khác nhau nhưng đều mục tiêu ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua.
          Ngày về.. nhìn đâu cũng quá đỗi thân thương..biết rằng đi rồi sẽ về, như một lời hứa trong tâm tưởng. Vẫn vậy, vẹn nguyên tròn đầy tình cảm...đi ..để trở về./.
Bảo Nghi

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

Thanh xuân tôi,...


          Thanh xuân tôi,... con bé mỗi lần xem Album hình lúc nào cũng đều thắc mắc: tại sao lúc đó mặt của mẹ lại bình tỉnh và không rơi một giọt nước mắt nào ? Con bé cứ mặc định những giây phút trọng đại nhất của bản thân và gia đình sẽ làm cho bà mẹ này phải rơi lệ, ít hoặc nhiều chứ không như ngày hôm ấy. Vì nhỏ và người đàn ông sáu múi đã từng chứng kiến mẹ, chỉ cần một món quà nho nhỏ, một thành tích của hai người này đạt được là nước mắt bà mẹ này lại lăn dài, giống như ngày biết tin người đàn ông sáu múi đậu vào Đại học Bách Khoa và nhất là được hoc ngành Khoa học máy tính, cái ngành mà bạn nhỏ từng ước ao và mẹ đã kìm nén càm xúc từ buổi sáng ở cơ quan, cho đến khi gân mười hai giờ trưa mẹ tan việc chạy về nhà. Trên đường đi mẹ đã khóc tức tưởi, khóc như chưa bao giờ được khóc, me khóc cho hạnh phúc chờ mong qua bao ngày khổ nhọc, lo lắng, đau buồn có quá nhiều biến cố xảy ra trong gia đình.
         
                                                                                                           
                                                                                                         Sưu tầm
               Và nay, ngày trong đại của Thanh xuân tôi, nhỏ nghĩ mẹ sẽ không thể kìm nén sự xúc động, ngày mà Thanh xuân tôi có một người đồng hành cùng nhỏ đi suốt chặng đường dài sắp tới, là ngày Thanh xuân tôi có thêm ba mẹ và nhũng người thân yêu. Mẹ tin tưởng sự chính chắn lựa chọn của nhỏ, mẹ nhìn vào đôi mắt của nhỏ là sự hạnh phúc, tươi trẻ và yêu thương.Nhỏ hỏi mẹ: Lạ thiệt, con nghĩ mẹ sẽ khóc... nhỏ đâu biết rằng, mẹ đã từng thức trắng đêm, từng khóc trong sự hạnh phúc của con, mẹ hân hoan, vui mừng vì con đã chọn được người bạn đời của mình mà trong gia tộc ai cũng thương yêu, ai cũng trân trọng trước sự chính chắn, đạo đức, nền tảng của cậu nhỏ này, cậu nhỏ này với những biểu hiện quan tâm lo lắng cho nhỏ, lo cho cuộc sống sau này của nhỏ và những đứa trẻ ...làm mẹ thấy tin tưởng có cảm giác ấm áp. Và nhỏ có thêm ba mẹ, có thêm em trai có thêm những người thân yêu...họ yêu thương nhỏ, lo lắng cho nhỏ giống như ba mẹ vậy. Mỗi khi Thanh xuân tôi gọi điện cho mẹ kể chuyện về ba mẹ bên kia, nào hỏi thăm, nào gởi thức ăn, gởi tiền cho nhỏ và lo lắng cho nhỏ...làm cho bà mẹ bên đây thấy hạnh phúc vô cùng, mẹ nhỏ cảm thấy tự hào và vui mừng khi con gái của mình lại được nhiếu người yêu thương lo lắng như thế... sau mỗi lời kể của nhỏ là mẹ đều dăn dò một câu muôn thưở : Hãy sống thật tốt hơn con nhé !. 
       

                                                                                                           Sưu tầm

         Đêm dài... mẹ thường nghĩ về nhỏ, từ một cô bé con xinh xắn, lần đầu tiên nhỏ đứng trước gương, lúc đó nhỏ chỉ mới có ba tuồi, nhỏ bắt chước mẹ soi gương chải tóc, ngày đó ba nhỏ phát hiện con gái, lật đật chạy xuống bếp kêu mẹ nhỏ lên phòng: Em em, lên xem BB nè, hai vợ chồng lật đật chạy lên trong sự rình mò sợ nhỏ phát hiện có người nhìn mình.
         Ôi!  Thanh xuân tôi ngày ấy mũm mĩm, dễ thương mặc chiếc đầm trắng đứng trước gương lóng ngóng chảy tóc như mẹ. Hai vợ chồng nhìn con gái rồi lại nhìn nhau, một cảm giác thất khó tả nên lời, con gái đã lớn rồi, đã biết bắt chước rồi... và rồi có biết bao kỷ niệm mà ba mẹ nhỏ không thể nào quên được và nhất là mẹ, mẹ đã cùng nhỏ trãi qua nhiều cung bậc cảm xúc, trãi qua nhiều giai đoạn, lớn lên phát triển từ một bé nhỏ rồi ra thì con gái, tất cả vui có, buồn có, lo lắng có... rồi ngày đầu tiên nhỏ đi học, ngày nhỏ thi học sinh giỏi, ngày nhỏ vào cấp hai, cấp ba rồi Đại học và ngày nhỏ phỏng vấn xin việc... và những câu chuyện tình yêu thật dễ thương khi có người con trai ngỏ lời với nhỏ... tất cả buồn vui nhỏ đều tâm sự với mẹ, và mỗi ngày qua đi, mẹ thấy Thanh xuân tôi của mẹ đã lớn. Có nhiều bà mẹ với niềm vui với quần áo đẹp, với du lịch, với ăn uống, với bạn bè, với hình ảnh...họ hào hứng hạnh phúc với những điều đó mà họ từng trải nghiệm còn đối với mẹ, niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của mẹ là sự trưởng thành, là thành quả đạt được dù chỉ là nhỏ thôi của hai con nhưng chính là niềm hạnh phúc vô bờ bến với mẹ. Nhớ trước đây có lần nhỏ từng tâm sự với mẹ: "Con chấp nhận là một thành viên dỡ trong một tập thể giỏi chứ con không muốn mình giỏi trong một tập thể dỡ mẹ à." chỉ một câu nói, một nhận thức mà mẹ đã vui trong tâm trạng lâng lâng suốt một ngày hôm đó, mẹ biết Thanh xuân tôi của mẹ đã thật sự trưởng thành đã chấp nhận đương đầu với cuộc sống vốn dĩ không hề đơn giản đối với những người có ý chí, cầu tiến và giờ đây khi dịch cúm COVID-19 người đàn ông sáu múi phải nghỉ học ở nhà với mẹ, qua những buổi cơm người đàn ông thẻ thọt nói sợ mẹ buồn: " mẹ, mẹ nấu không giống chị BB.." nếu như thường tình mẹ sẽ tự ái nhưng mẹ rất vui vì Thanh xuân tôi của mẹ đã sẳn sàng làm bà chủ của bếp lửa riêng, bà chủ của một gia đình nhỏ và tự tin khi nấu những món ăn ngon hơn mẹ - người thầy đầu tiên dạy con gái nữ công gia chánh.


                                                                                                             Sưu tầm

          
               Nước mắt chảy vào trong trong ngày con gái được đàng trai mang lễ vật xin cưới, Thanh xuân tôi của mẹ vững chải, thông minh cùng người bạn đồng hành đi tiếp con đường thật Thành công và Hạnh phúc con nhé !./.

                                                                                                                                     Bảo Nghi