Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

Chờ tết...

     Con bé tất bật tìm kiếm trên các trang thông tin cần người phục  vụ cho các dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí trong những ngày nghỉ chuẩn bị đón năm mới. Năm nay các thông tin tìm người làm không còn rầm rộ như những năm trước, dịch bệnh đã làm cho nhiều người phải thất nghiệp, khó khăn càng khó khăn hơn và nó càng không tránh khỏi, một sinh viên mới học năm ba còn đang trên ghế giảng đường. 
    Hình ảnh mẹ nó, người phụ nữ gầy đét, gương mặt khắc khổ với đôi mắt lúc nào cũng đượm buồn theo suốt cuộc đời của nó. Nỗi vất vả của mẹ với hai đứa em còn thơ dại tại quê nhà làm trong nó lúc nào cũng khắc khoải lo âu. Tiền học phí, tiền ăn hàng ngày nó phải tự lo và nó còn phải chắt mót tằn tiện gởi về quê cho mẹ lo cho hai em. Nhiều lúc nó rất mệt mõi và quá áp lực với vai trò trụ cột gia đình, sống giữa một thành phố ồn ào, náo nhiệt nhưng canh cánh bên lòng là nghĩ về một miền quê xa ngai ngái với mọi lần định về thăm là đau đáu với tiền xe quá đỗi.
    Công việc phục vụ ăn uống tại các nhà hàng, khách sạn nó đã làm được nhiều năm nhưng không hiểu sao mỗi lần nhìn hình ảnh các gia đình đầy đủ vợ chồng con cái dắt tay nhau vào ăn uống, nó không khỏi chạnh lòng. Trong mắt họ lấp lánh niềm hạnh phúc viên mãn và con họ, những đứa trẻ bằng tuổi em nó với gương mặt hồn nhiên thật dễ thương. Mỗi khi tính tiền thanh toán cho họ, nhìn trên bàn còn dư thừa thức ăn nó tiếc ngẩn ngơ, nó lại nghĩ đến hai đứa em của nó còn thiếu thốn rất nhiều, nỗi xót xa cứ giằng xé trong nó, nó tự nhủ với bản thân, phải cố găng, cố gắng thật nhiều để các em phần nào không thiếu thốn như hiện nay. 
    Yêu cầu khi phục vụ cho khách lúc nào cũng phải tươi cười, nhưng tận đến bây giờ trong sâu thẳm cứ mỗi lần gởi bill đến cho khách là trong nó có một cảm giác thật khó tả lại ùa về, một cảm giác buồn, tự ti, mặc cảm; mặc dù theo thời gian, nghị lực sống đã dạy cho nó sự cứng cỏi làm chủ cảm xúc nhưng mọi khi nhìn thấy hình ảnh các món ăn còn trên bàn của khách nó vẫn không thể làm chủ cảm xúc của mình được...hình ảnh căn nhà chấp vá, tuềnh toàng với bóng đèn điện vàng héo hắt, một bữa cơm chiều muộn với tiếng cóc nhái ễnh ương bên ngoài và rồi mẹ nó, hai em nó bên mâm cơm chỏng chơ một đĩa rau luộc, một tô nước rau luộc thay canh, một bìa đâu kho mặn hay trứng vịt luộc dầm mắm...Còn đối với nó, thắt lòng mỗi khi bưng thức ăn ra cho khách, món ăn nóng bốc khói nghi ngút, màu sắc thì tươi ngon mà khi đó cái bụng của nó lại kêu cồn cào, ai nói phải nghị lực, dũng cảm đâu xa, trong lúc này đây nó phải có một gương mặt thật tươi tắn, nụ cười lúc nào cũng phải nở trên môi và nhất là khi gấp thức ăn cho khách, nó phải thật khéo léo, điêu luyện không làm thức ăn đổ ra ngoài, mỗi phần ăn trong chén phải đều nhau, gọn gàng, mỗi động tác, cử chỉ phải hết sức nhẹ nhàng, duyên dáng, đó là yêu cầu tất yếu khi phục vụ cho khách nó phải thuộc nằm lòng. Khi khách vừa dùng thức ăn vừa trò chuyện nó phải đứng ra phía sau để chờ xem khách cần gì phải phục vụ kịp lúc. 
    Không hiểu sao phòng ăn với ánh đèn Led màu vàng ấm cúng, ánh đèn làm cho gương mặt mọi người đẹp hơn, mềm mại hơn nhưng vẫn không làm cho nó bớt nhớ về ánh đèn vàng hiu hắt ở quê nhà, nhiều khi nó tự nghĩ mình như một con robot, ngoài miệng thì cười tươi nhưng trong lòng lúc nào cũng canh cánh về một nơi thật xa... nhưng nơi đó hết sức thân thương, gần gũi với nó, cái nơi xa lắc xa lơ mà mỗi khi nhắc đến người thành phố có khi không hề biết và cũng chưa hề nghe, vì đó là vùng quê của một xã nghèo heo hút nhưng cũng rất bình yên đối với nó và gia đình nó, nếu như không có những trận lũ lụt kinh hoàng, những trận bão khốc liệt tàn phá hàng năm...
    Đâu rồi những thông báo tuyển người làm như các năm trước đây, đâu rồi sự cân nhắc tính toán thiệt hơn chổ này tiền công cao hơn, chổ kia đi làm phải xa hơn, phải trực đêm hơn ...còn gì nữa, cũng có thể năm nay nó không về đón tết với mẹ và em, vì dịch bệnh đã làm nhiều người mất việc, kinh doanh thì ế ẩm, còn sinh viên như nó học phí vẫn phải đóng, tài liệu vẫn phải mua, ngày hai bữa vẫn phải đủ để có sức lên giảng đường, có sức để làm thêm. Có thể năm nay nó sẽ lại ở ký túc, nó đã từng ở lại ký túc nên nó thấm thía cảm giác xa nhà, cô độc trong giờ phút thiêng liêng của năm cũ bước sang năm mới, nó thấm thía cảm giác đêm ba mươi chạy ráo riết về phòng ký túc sau giờ dọn dẹp cửa hàng cho chị chủ. Ban quản lý ký túc ân cần chuẩn cho những hoàn cảnh sinh viên khó khăn như nó, không tiền về quê ăn tết. Trong mùi hương lan tỏa của nén nhang cúng trên bàn thờ đầu năm, màu vàng rực của cành mai nở rộ, màu xanh của cặp bánh chưng và màu đỏ của hộp bánh mứt trên bàn...sự chuẩn bị cho ngày tết với bao nhiêu đó thôi đối với mọi người thật giản đơn nhưng đối với những đứa con xa xứ như nó không dễ để thực hiện"hình ảnh mỗi năm mọi người chỉ chuẩn bị một lần trong ngôi nhà thân yêu của mình nhưng sao thực hiện khó quá !' Nó bất lực, mặc dù nghị lực nó dư đủ để đương đầu với khó khăn. Cắn chặt môi, kìm nén tiếng khóc, văng vẳng tiếng chúc tết của chủ tịch nước, tiếng nhạc xuân trong tivi... tất cả đều vỡ òa trong nó: " Mẹ ơi ! tết này con không về !" đó là tâm trạng của nó khi có năm không thể về quê ăn tết với mẹ và các em.
    Người thành phố đã dần quen với cuộc sống khi phát hiện nơi đâu có dịch bệnh, vẫn cách ly theo quy định, vẫn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài ...nhưng tốc độ chuẩn bị cho một năm tết đến không còn cái nhộn nhịp, quay cuồng như những năm trước đây. Các thông tin tìm người phục vụ còn thưa thớt, các cửa hàng, siêu thị, các khu trung tâm vui chơi không tuyển người rầm rộ như mọi năm. Tiền trang trãi cuộc sống sinh viên, tiền quà tết cho mẹ chuẩn bị mâm cơm tươm tất cúng ông bà, tiền mua cho hai em bộ đồ mới xúng xính trong ngày đầu năm và nhất là trước khi nó trở lên thành phố nó dúi hết khoản tiền còn lại trong túi đưa cho mẹ để lo cho các em sẽ không thực hiện được nếu như tình hình như hiện nay.
    Phải về, phải về...vì quê nhà vừa trãi qua trận lũ kinh hoàng, phải về dù nơi đó có tan thương cỡ nào, phải về vì mái nhà của nó đã xiêu vẹo nay còn xiêu vẹo hơn, phải về để nắm bàn tay chai cứng của mẹ, xoa lên hai má sạm nắng của hai đứa em, phải về để nếp nhà vẫn ấm cúng, thềm nhà loang lỗ nhưng vẫn là thềm nhà của mình.
    Đêm ba mươi tết trên bàn thờ ông bà sẽ có nhánh mai vàng, có căp bánh chưng, có hộp mứt gừng và em nó sẽ xúm xít trong bộ đồ mới mặc dù rẻ tiền. Tiếp tục tìm thông tin, tiếp tục tìm kiếm, chạy ngang một cửa hàng tiếng nhạc xuân rộn ràng vang lên, trong nó thôi thúc căng tràn nhiệt huyết sức trẻ, nó thầm gọi "Mẹ ơi ! chờ con mẹ nhé !"./.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                         Bảo Nghi