Con bé gọi điện về “Mẹ ơi, ông nói cả nhà mình nhanh nhanh đi vào thành phố để cậu ba chở về luôn, không đi xe ngoài...” trong tâm trạng thất vọng con bé nói “Mẹ xin với ông cho tụi con được đi xe ngoài đi mẹ”. Thế mới biết, cuộc sống không phải là những đặt để ước tính theo ý mình; đâu chỉ tiện lợi, sung sướng mà mọi người thích, đôi khi vất vả, chật vật nhưng đem đến cảm giác mới lạ, đem đến những trãi nghiệm thú vị mà ta sẳn sàng chấp nhận. Có những khi ta ước ao được làm chủ một chiếc xe bốn bánh được tự do đi đến những nơi mà mình thích và tự do lựa chọn thời gian nhưng cũng có lúc ta lại thích cái cảm giác chen lấn, ồn ào …rất đỗi đời thường là được nằm trên chiếc xe khách giường nằm với đủ thứ tạp âm, hình ảnh hổn độn…diễn ra xung quanh. Con bé triết lý “ Hạnh phúc không chỉ là điểm đến mà còn có cả hành trình đó mẹ !”. Tôi thông cảm và hiểu cảm giác của hai bạn nhỏ ở nhà, vì tôi đã từng trãi qua cảm giác thật dễ thương ấy; mặc dù có người không hiểu như ông bà ở nhà chẳng hạn. Ông bà sợ con cháu đi xe khách vất vả, nguy hiểm (xe khách bây giờ thường tổ chức đi vào buổi tối).
Để muốn về quê ăn tết, gia đình chúng tôi phải đi qua hai chuyến xe; một, từ nhà vào thành phố; hai, từ thành phố về miền tây. Miền tây, miền quê sông nước của mẹ, nơi mà bọn trẻ lúc nào cũng háo hức mỗi khi có dịp trở về. Và tuyến đường từ thành phố về quê, ông bà bắt buộc các cháu vào thành phố để cậu ba tụi nhỏ chở cả gia đình về chung cùng đợt. Tôi hiểu cảm giác của các con, cảm giác được tận hưởng không gian mà mình yêu thích và không phải cảm giác này ai cũng có được, hình như hai người bạn nhỏ của tôi thấp thoáng có Gen di truyền của mẹ, một chút bốc đồng, một chút lãng mạn của những người ưa sự tỉnh mịch giữa cuộc sống bộn bề trăm nỗi xô bồ.
Mỗi khi đặt vé xe khách, lúc nào nhà tôi cũng đề nghị nhà xe lựa chọn những chiếc giường nằm phía dưới, vì với khoảng cách này bọn trẻ sẽ tha hồ nhìn ngắm cảnh vật xung quanh, chúng thường nói với tôi, cái cảm giác sung sướng và hạnh phúc trên chuyến hành trình của chúng mà ba mẹ không thể nào biết và hiểu hết được; đó là được đặt lưng mình trên chiếc ghế nằm của nhà xe, tai gắn iPhone với những bài hát yêu thích hoặc ipad để lướt web thỏa cơn ghiền (vì điều này trong thời gian đi học hai bạn nhỏ không bao giờ được phép), đặc biệt là ngăn để đồ dưới chân lúc nào cũng có là sữa, là bánh kẹo, là trái cây mà mẹ đã chuẩn bị cho một chuyến hành trình đầy thú vị và trên hết là tiếng cười nói với giọng đặc sệt miền tây chảo chà chảo chẹt, nhão như cơm nếp của các bà các chị…và rồi còn gì nữa …là hình ảnh màu sắc rực rỡ của phố phường ngày tết, là rộn ràng nhạc xuân được mở hết cở của chiếc tivi được treo trên đầu nhà xe…Ôi ! với khung cảnh dòng người đông đúc, lũ lượt kéo nhau về quê ăn tết, nó đã trở thành hình ảnh quen thuộc mà hàng năm mọi người đều thấy, đều cảm được không khí của ngày xuân, nó hết sức gần gũi thân thương mà chỉ có những người con xa quê mới thấu hiểu được. Mọi người trên chuyến xe sao quá đỗi dễ thương, dễ bắt chuyện, dễ chia sẻ, dễ giúp đỡ những việc vụn vặt linh tinh trên chuyến đi, một lọ dầu trao tay khi say sóng, một lời mời rất nhiệt tình khi ăn một chiếc bánh (điều này các con không dám nhận quà từ người lạ), một câu hỏi thân tình em ở đâu, đoạn nào, đường gì… ?
Sưu tầm
Thế đó, xe đi về đêm mà có đêm đâu, bọn trẻ thức suốt, vì mẹ đã hứa cả năm miệt mài với việc học, thì bây giờ cho chúng được thỏa thích những gì mà chúng hằng mong muốn, được quyền thức cả đêm để chơi chứ không phải thức để học. Bạn nhỏ sáu múi thì tâm sự với mẹ “Con thích được nằm trên xe để nghe nhạc và nhìn mọi việc xung quanh, đừng ai hỏi chuyện con, không ai được làm phiền con” (ghê chưa !). Quan sát hai trẻ tôi thấy chúng thật sự không ngủ, chúng nhìn bên ngoài với đôi mắt háo hức tò mò, làm sao không tò mò lạ lẫm cho được khi cảnh vật xung quanh khác lạ, đó là khi hừng đông mặt trời đỏ rực từ từ nhô lên từ xa cuối chân trời, mà bầu trời bên ngoài vẫn còn mờ mờ hơi sương, những cánh đồng lúa trãi dài tít tấp vàng óng, với hình ảnh chân quê của cô bác nông dân với nón lá áo bà ba ra ruộng gặt lúa và khi nắng vàng lên bầu trời lại xanh ngắt đẹp như trong tranh vẽ mà nếu không có chuyến đi như thế này thì không bao giờ tụi nhỏ thấy được đất trời quê ngoại đẹp như thế nào. Còn nữa, đó là những cây mai vàng trước sân mỗi ngôi nhà miền tây đều trổ hoa vàng rực và cơ man biết bao nhiêu là sông rạch chằng chịt. Miền tây là miền của sông nước nên từ thành phố về quê của ông bà phải qua hai chiếc cầu thế kỷ “cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ”. Hai chiếc cầu này đã thay thế những chuyến phà đã qua bao đời con cháu của cư dân chín tỉnh đồng bằng, những chuyến phà bây giờ đã đi vào ký ức và hoài niệm của người dân miền tây và nó đã trở thành nét đẹp sông nước, là văn hóa miệt vườn mà không dễ mọi người quên được. Hai chiếc cầu hiện đại, sừng sững đã làm cho trái tim của bọn trẻ thổn thức, kinh ngạc thích thú. Còn nữa, còn con đường cao tốc chạy theo tốc độ được quy định làm cho bọn nhỏ phấn khích tột cùng, con đường này được thay thế cho con đường ngày xưa mà chị em tôi thường đi lên thành phố học, đó là con đường với bụi mù mịt đầy ổ gà, mỗi khi về đến nhà là người như bị tra tấn với mình mẩy ê ẩm, nào là khói, là bụi, là hơi người…tất cả hình ảnh ngày xưa đã đi vào quá khứ nhưng chúng tôi, những đứa con sông nước miền tây thời ấy đều phải chạnh lòng nhớ lại một thời đã qua.
Sưu tầm
Những chiếc ghe chở đầy hoa vạn thọ, hoa cúc vàng rực cả một khúc kênh rạch, ghe chở đầy dưa hấu, bưởi, thanh long, xoài cát hay quýt tiều…làm cho buổi sáng ven đường của những ngày cận tết ở miền tây nhộn nhịp như chưa bao giờ nhộn nhịp hơn nữa. Hỏi làm sao mà không nhớ da diết, hỏi làm sao mà không cảm thấy bồi hồi. Tiếng lòng hai chữ quê hương làm cho mọi đứa con xa quê khắc khoải nỗi niềm …
Thế đó, một chuyến đi dành cho các con, một chuyến đi với nhiều tình cảm, cho con nhiều trãi nghiệm thú vị…
“Hạnh phúc không chỉ là điểm đến mà còn có cả hành trình đó mẹ ! ”
Bảo Nghi