Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2018

Khi tiếng chuông điện thoại rung lên ...

        Nhóc mượn điện thoại của thầy nhá máy cho mẹ,mỗi lần chuông điện reo mẹ lật bật vuốt màn hình thấy số quen của thầy là vội vàng tắt máy gọi lại. Đã bao lần, mỗi khi nhỏ khỉ già hay cậu nhóc này gọi cho mẹ, là bà già này lại vẫn tâm trạng run run, hồi hộp, chẳng hiểu sao hai nhóc ở xa ít nhất gần ba năm đối với cậu nhỏ, gần năm năm đối với con khỉ già nhưng gấu mẹ vẫn không thể quen được với cảm giác vắng hai con người này.
       

                                                                                                   Sưu tầm
          Mỗi khi nghe máy, dù bất kể lúc trưa, chiều hay tối đang trên đường đi làm về nhà hay khoảng chín giờ tối đối với khỉ già, khoảng mười giờ tối đối với người đàn ông sáu múi này gọi là mẹ lại hồi hộp gọi lại. Vẫn câu nói muôn thuở hàng ngày khi bắt đầu cuộc gọi "Sao con ? có ăn như mẹ dặn không, uống sữa, thuốc bổ thế nào...".  Nghe đầu dây bên kia, nói cười rổn rảng, câu chuyện kể không đầu không đuôi thì mẹ lại nhẹ nhàng, thoải mái nhưng nếu đầu dây bên kia nói chuyện có vẻ nhát gừng, âm điệu nhè nhẹ, chỉ trả lời theo những câu mẹ hỏi...thì người mẹ này biết rằng hai bạn này thế nào cũng có vấn đề trong ngày hôm đó.
   

                                                                                                        Sưu tầm
         Nhiều khi trong cuộc gọi, câu chuyện không có gì cả nhưng nghe cách con kể chuyện, cách con bày tỏ, gấu mẹ thấy an lòng; bởi vậy người ta thường nói người mẹ luôn có giác quan thứ sáu đối với các con, mỗi động tỉnh, mỗi suy nghĩ, mỗi hiện tượng biểu lộ của con, người nhận biết đầu tiên chính là người mẹ. Mỗi lần gọi cho mẹ, người đàn ông nhỏ này đều hỏi "mẹ đang làm gì đó" có khi bạn nhắc nhở mẹ đi đường lái xe cẩn thận, còn bạn kia thì lúc nào cũng hỏi "bửa nay ăn gì vậy mẹ" hay " ngoài ấy, bây giờ có gió chưa mẹ ? " . Chỉ bao nhiêu lời thăm hỏi rất đỗi bình thường đó thôi cũng làm cho trong lòng gấu mẹ này tan chảy. Nhiều khi ngồi suy nghĩ vu vơ gấu mẹ lại càng cảm phục những bà mẹ có trên cả chục đứa con, thì nỗi lo lắng này sao nhỉ ? 
   

                                                                                                     Sưu tầm
          Chiều qua, mẹ từ cơ quan chuẩn bị ra về thì người đàn ông sáu múi gọi, bạn ấy kể liến thoáng, tranh thủ nói vì còn các bạn đang chờ mượn điện thoại của thầy, sau một tràng với nhiều câu hỏi, nhiều dặn dò cho mẹ, bạn nhắn thêm, tối con sẽ gọi cho mẹ nha. Thế rồi, sau khi đi học trở về phòng nội trú, bạn ấy mượn điện thoại của thầy gọi tiếp, chỉ ầm ào vài câu ngắn gọn trong lúc tranh thủ nhưng bạn đã đem đến cho mẹ một giấc ngủ thật ngon. Còn câu nói muôn thuở mẹ dành cho bạn " Mệt lắm phải không con, cố lên  nha con"
      Thế đấy, tâm trang này là của tất cả bà mẹ trên quả đất này. Câu chuyện của các con kể hoài không hết...
                                                                                                                          Bảo Nghi

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

Ngày gấu mẹ nhận quà !

         Con bé thường bị mẹ la, đôi khi nó hờn mẹ, giận mẹ...nhiều lúc nó làm cho mẹ nó nổi nóng không thể kiềm chế được. Mẹ nó không thể mềm mỏng, dịu dàng mà phải la như tát nước vào mặt của nó, để nó mới hiểu rằng cở tuổi nó thì không thể phát ngôn những câu nói vô tâm như thế, nhất là khi nói đến người đàn ông được đại gia đình yêu quý nhất: em trai của nó. Mẹ la nó xong tắt máy và ngồi khóc, khóc vì thương hai con người to xác mà vẫn còn nhỏ trong mắt của mẹ, khóc vì giận bản thân sao lại nặng lời với nó như thế, mẹ khóc vì hối hận...Nhưng rồi sau đó, vẫn như mọi khi, mẹ và nó lại vui vẻ cười vang với những câu chuyện không đầu không đuôi của nó, mẹ và nó là như vậy đấy !. Mẹ nói nó là dạng người "khẩu xà mà tâm phật" vì điều này nên nó phải biết kiềm chế bản thân vì cuộc sống bên ngoài kia không ai có thể du di bỏ qua cho nó với những lời bộc phát khi nóng giận chưa kịp nghĩ sâu xa thấu đáu. 
       
                                                                           Sưu tầm
            Mẹ nó hiểu nó mà, vì nó chính là bản sao của mẹ. Nói gì thì nói, lời nói của nó có dữ dằn như vô trách nhiệm bao nhiêu như cách mẹ nói nhưng nhìn vào những việc nó làm thì mới hiểu hơn về nó; cái cách nó sắp xếp thời gian việc học,việc làm để được tranh thủ ở bên em trai khi em được nhà trường cho về nhà sau những ngày học tập căng thẳng; cái cách nó tiết kiệm từng chén nước mắm ăn dỡ dang cất lại để hôm khác lại dùng, nếu như ở nhà thì mẹ nó đã đem bỏ không dùng đến lần sau; cái cách nó tuyệt nhiên không dùng máy lạnh khi trời nóng như đổ lửa hay phải để đến khi nào quần áo thật nhiều mới dùng máy giặt... còn nhiều ,nhiều chuyện lắm để biết rằng nó là đứa con gái có tâm và có trách nhiệm khác với những gì khi nóng giận nó lại bộc phát những câu nói cho thỏa lòng. Khi em trai về nhà, nó thường chụp hình hoặc quay clip gởi cho mẹ với những bửa ăn của hai chị em, nó chăm chút bày trí và đi siêu thị mua toàn những thực phẩm đắt tiền mà ngay mẹ nó nếu có đi thì không dám mua. Nhìn mâm cơm tươm tất, thịnh soạn của hai chị em, mẹ nó càng thấy mình có lỗi với con gái. Nó là vậy, một con nhỏ ít bày tỏ nhưng chỉ có làm, ít nhẹ nhàng nhưng lại rất có tâm
        Ngày sinh nhật của mẹ, nó kể lại lời em trai nói với nó: "BB ơi, em bây giờ là người vô sản, không có gì tặng mẹ cả, em chỉ có thang điểm học hàng ngày gởi cho mẹ thôi", nghe kể lại, hai mẹ con ôm nhau cười trước câu nói của người đàn ông sáu múi. Còn nó, nó tặng cho mẹ hai món quà, một phong bì và một chiếc nhẫn. Nếu so sánh giá trị vật chất bên ngoài thì chiếc nhẫn đó so với mọi người không là gì cả nhưng đối với nó là tất cả những điều trân trọng yêu quý dành cho người mẹ - người bạn lớn đúng nghĩa trong cuộc đời của nó. Khi nhận quà mẹ nó chảy nước làm cho hai chị em ngồi kề bên cũng rưng rưng sắp khóc, mẹ nó yêu quý hai chị em nó như những vật vô giá và trong sâu thẳm mẹ nó thầm cám ơn người đã cùng mẹ nó tạo nên chúng nó. Em trai nó thì nói với mẹ một cách trang trọng như đang nói một sự kiện trọng đại " Mẹ nên đeo nhẫn này trong những sự kiện quan trọng thôi, hạn chế không mang thường xuyên bây giờ cướp bóc nhiều lắm nha mẹ". Còn nó thì nói " Bây giờ mẹ phải tận hưởng đi nha, con thấy mẹ hy sinh tiết kiệm nhiều quá rồi, không lúc nào lo gì cho bản thân cả". Đối với mẹ nó, khả năng mẹ nó có thể mua hơn hẳn chiếc nhẫn này nhưng đúng như nó nói mẹ không ngừng nghĩ về chị em chúng nó nên đối với bản thân mình mẹ thấy không cần thiết.
                                                                Sưu tầm
          Sau khi nhận quà, nó hỏi mẹ có thích không, mẹ nó thật lòng nói " Tất cả mọi thứ các con tặng mẹ, mẹ đều trân trọng và gìn giữ, vì đây là tất cả sự chắt chiu, từ những tình cảm yêu thương nhất mà các con dành cho mẹ" Con bé lại bảo "Mẹ mang đi làm nha mẹ !" Nhìn chiếc nhẫn mẹ nói" Nhẫn này mẹ sẽ đeo vào dịp lễ tết hay đi đám cưới vì nhẫn đính nhiều hột đá mà đi làm thì có vẻ không hợp" . Nó liền nói " Con sẽ chở mẹ ra Công ty đổi lại mặc dù mất 20 % giá tiền cũng được". Chỉ còn hai tiếng đồng hồ để mẹ nó ra bến xe về  NT nhưng nó lật đật kéo mẹ chở đi. Trên đường đi mẹ nó bảo "Thôi con, không kịp giờ để mẹ ra bến xe, vả lại mình bị mất cả gần hai triệu bạc trong khi mới mua chưa kịp đeo" . Nó vẫn nhất quyết hối hả lái xe mặc cho đường Sài Gòn tối Chủ Nhật kẹt xe không kể xiết. Ngồi phía sau xe để nó chở mẹ thương nó vô cùng, mẹ nó hối hận khi đã để cho nó chở đi đổi nhẫn. Đến nơi, người công ty tư vấn nếu đổi thì uổng quá, đây là mẫu nhẫn mới vả lại khi đổi sẽ lại mất tiền, mẹ nó quyết định không đổi và nó lại tất bật chở mẹ ra nhà xe cho kịp.
         Thế đấy, nó là như thế, bởi vậy, lúc nào mẹ nó cũng đều lo lắng cho hai chị em nó, hai con người to xác nhưng trong mắt gia đình vẫn là những người còn nhỏ. 
        Một sinh nhật lại đến, lại thêm tuổi đời đối với gấu mẹ này. Mong tất cả lại tròn đầy. 
       Cứ thông lệ, ngày của mẹ nó nhưng mẹ lại nói về hai chị em nó. Câu chuyện của con khỉ già và người đàn ông sáu múi kể hoài không hết!!!
                                                                                                                              Bảo Nghi

Ngày không nắng,

     
                                                                                           Sưu tầm

         Những ngày mưa bão, thành phố với những cơn mưa ầm ào không thương tiếc, trên như thác đổ, dưới như lòng sông, con người thì chơi vơi, khắc khoải. Nhìn mưa với biết bao tâm trạng, nhìn mưa để quý những ngày có nắng. Tiết trời cũng làm con người thay đổi theo từng tâm trạng, nếu như người lớn lo âu thì con trẻ vui mừng vì được nghỉ học; người lớn tất bật kê đồ lên cao để tránh nước lụt thì con trẻ bì bỏm cười tươi khi tung nước trắng xóa. Qua thời gian mới thấu đáo nhiều những sự việc xem như cỏn con của ngày thơ dại, mới hiểu nhiều hơn lúc ấy gương mặt trầm ngâm của ba hay nụ cười thường vắng đi trên gương mặt của má. Những ngày này người thân cứ lần lượt gọi điện, nhắn tin thăm hỏi, nếu có thế này thế nọ...phải làm ngay thế nọ thế kia...tất cả trân quý những tình cảm yêu thương của mọi người. Mưa lớn lắm, lắm lắm lắm !!! Thời tiết không chìu lòng người, ngày càng quá quắt, khắc nghiệt. 
            Mong nắng lại về như những ngày qua !.
            
                                                                                                                            Bảo Nghi 

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2018

Ngồi đếm bóng nắng ...

          Thế hệ tôi và các bạn đồng lứa với tôi đã có những sở thích, mối quan tâm mà trướcc đây hàng cả chục năm về trước thấy má và các dì mình cứ loanh quanh với những câu chuyện như thế mà bây giờ lập lại với chính bản thân mình.  Cái tuổi mà như bạn bè tôi thường đùa vui " ngồi đếm bóng nắng qua cửa sổ" hay " ngồi đếm hoàng hôn lặng dần vào những ngày chiều muộn...Thế đấy... thời gian cứ trôi qua và con người thì phải tập dần và thích nghi với nó. Bây giờ tôi đã thấm thía từng câu nói, từng trăn trở những gì mà trước đây ba má , mấy cậu dì mình thường xuyên đau đáu nghĩ đến. Bây giờ về già lại chăm thể dục để giữ sức khỏe, thích nghe nhạc xưa, đọc nghiên cứu về các bệnh tật lúc về già ...Thích hòa vào niềm vui của con nhưng lại có khi dị ứng với một vài quan điểm sống suy nghĩ của bọn trẻ bây giờ. Đôi khi chúng muốn làm vui lòng mẹ nên cùng nhau nghe một bài hát xưa mà mẹ cho là hay nhưng thật tình chúng chưa cảm được, còn nghe nhạc của chúng chọn lựa thì những bài hát đó khi mẹ nghe xong thì một là vào giường nằm nghĩ hay là nổi cáu lên còn trong khi đó thì hai chị em ôm nhau cười rũ rượi, cười trong sự căng thẳng tức giận của mẹ. Hôm dọn dẹp nhà cửa, vô tình mẹ thấy một cái nón bảo hiểm trên nóc tủ, nếu khách quan nhìn nhận đây là cái nón bảo hiểm loại tốt, nhìn phong cách đậm chất trẻ bây giờ mà mỗi khi mẹ đi ngoài đường thỉnh thoảng gặp một vài nam hoặc nữ thanh niên đội. Mẹ cũng có suy nghĩ sẽ mua cho người đàn ông sáu múi cái nón này nhưng chỉ tiếc rằng, trên nón in dòng chữ "cùng nhau đi trốn" hay "đưa nhau đi trốn" ...gì gì đó. Mẹ lật đật cầm ra hỏi, BB đi làm, chỉ còn ông nhỏ, mẹ đưa cho con trai gằn giọng hỏi : Đâu ra cái nón này, ý tứ câu này là gì, vì sao mấy người lại dám in và dám đội cái nón có dòng chữ này ..???. 
         Người đàn ông nhỏ của tôi, không nói không rằng chỉ ôm bụng cười lăn lộn và rồi nói " con sẽ mở cho mẹ nghe bài hát này". Bài hát cất lên cơn giận của tôi lại bừng bừng hơn bao giờ hết " ...bố hút thuốc nhiều, mẹ khóc..gọi điện thoại từng nhà...đừng lo, con đi chơi xa... em ơi, đi cùng anh, trốn đi ..." tôi không thể nghe hết bài và quát " tắt ngay bài hát" . Đợi cho tôi ngồi ra rả với bài giảng triết lý đạo đức con người, đợi khi mẹ thấm mệt im lặng ông nhỏ mới bắt đầu nói " Mẹ à, mẹ chưa nghe hết bài hát, bài này nói về tâm trạng của thanh niên bây giờ cuộc sống chịu quá nhiều áp lực công việc, việc học, cuộc sống thành phố quá nhiều ồn ào... do đó rủ nhau đi khỏi thành phố để hít không khí trong lành vậy thôi, chứ không phải rủ đi để làm chuyện bậy bạ .."
           Nói gì nói, khi các con đang sống với người thân, đang sống với công đồng xung quanh thì quan niệm về cái đẹp, gu thẩm mỹ từ quần áo, xe cộ đến đồ trang sức trên người ít nhiều cũng thể hiện được con người của mình, gia đình của mình. Vì vậy, với cái nón đó để treo góc lưu niệm trong phòng các con thì được nhưng nếu đội vào và nhất là BB mà đội thì nói thật tất cả phụ huynh đều dị ứng. Mẹ nói " Giá như xóa được dòng chữ này, với phong cách ăn mặc của BB hay ông nhỏ này đều rất chất và rất phong cách mẹ rất thích
          Vậy đấy, mấy vị trong nhà nên lưu ý, người già cố gắng cởi mở với trẻ trâu nhưng ở một giới hạn cho phép, vì chúng tôi đã "ngồi đếm bóng nắng qua cửa sổ rồi". 
          Cũng xin lỗi trước, lời bài hát vừa rồi chỉ ảnh hường trong gia đình nhỏ của tổ chim câu, không dám phê phán hay luận nhiều ra bên ngoài, chỉ gói gọn dặn dò hai người lớn trong một tinh thần còn trẻ con với mẹ .
                                                                                                                      Bảo Nghi

Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

Con chúng ta đã lớn !

       Nhỏ nằm kề bên thủ thỉ, có lúc hai mẹ con rù rì, có lúc cười nắc nẻ, cười đến nỗi người phụ nữ già này cảm thấy khó thở. Mấy ngày tết trôi qua thật nhanh, cảm tưởng như sống hối hả, gấp rút vì quỹ thời gian các con về quá ngắn, mà thời gian dành cho gia đình và các mối quan hệ khác bên ngoài cũng cần được quan tâm. Nhỏ bảo, mẹ thông cảm nha, mỗi năm có một cái tết, bạn bè mỗi nơi một chút, ai cũng thiết tha cũng trân trọng nên mình cũng phải thế. Ba năm cấp ba làm lớp trưởng nhưng tết năm nào nhỏ cùng đều thoái thác việc họp lớp, bạn bè trách cứ, nhỏ âm thầm nói với mẹ, người già này phán rằng " bạn sẽ thông cảm thôi con, còn nhiều dịp để hàn huyên mà..". Ngay cả gia đình, luôn luôn mọi người cố gắng gần nhau hơn có thể. Như những ngày vừa qua, mọi thành viên đều tranh thủ, không khí vui xuân năm nay thật lạ, từ thời tiết cho đến mọi thứ xung quanh...nhưng gì thì gì gia đình vẫn là số một. Những ngày này, mọi người được cái quyền mà trong năm không thể thực hiện, đó là thức trễ, dậy muộn và mẹ, người quản gia của gia đình vẫn không cho mình cái đặc quyền ấy, vẫn dậy thật sớm, thể dục rồi thì dọn dẹp lo bửa sáng cho cả nhả. Và mẹ đã ưu ái cho những thành viên trong gia đình được dây muộn, vì thời gian về tết là thời gian dành cho các con bồi dưỡng ăn, ngủ và sum họp, vì thế khi cả nhà quây quần cùng nhau ăn sáng là tầm khoảng chín, mười giờ.
     
                                                                                                               
                                                                                                                  Sưu tầm
         Năm nay nhỏ nói chuyện với mẹ cũng không tránh khỏi có lúc bị phê bình, khiển trách nhưng trong lòng gấu mẹ vĩ đại này thấy con gái mình trưởng thành nhiều hơn nhưng ngoài mặt gấu mẹ vẫn không bao giờ có một lời khen (điều này gấu mẹ vẫn biết nhưng bản tính vẫn không sửa được, vẫn tiết kiệm lời khen). Nhỏ nói  "Mẹ ơi, mẹ phải xem vở kịch Ngôi nhà không có đàn ông đi, mẹ và các bà dì của mình một phần nào đó rất giống những người phụ nữ trong ấy. Gấu mẹ vẫn biết mình khắc khe, khó tính tất cả cũng vì hai thành viên nhí này. Khi nhỏ xem kịch về cứ khen suốt nhà văn Ngọc Linh, sao ông ấy viết hay quá nhưng quan trọng đạo diễn Vũ Minh đã thổi hồn cho những tính cách những người phụ nữ trong gia đình ấy. Hình ảnh những người phụ nữ trong vở kịch phần nào y hệt thành viên gia đình bà ngoại cố của nhỏ, vì các bà dì của nhỏ đến nay đã gần bảy mươi tuổi mà vẫn ở vậy không lập gia đình. Như trước đây, người đàn ông sáu múi đã tâm sự với mẹ "Con đã đọc truyện Ngồi khóc trên cây của Nguyễn Nhật Ánh đến hai lần và lần nào con cũng khóc, không chỉ con khóc mà bạn con đọc cũng đều khóc cả"  và tôi, gấu mẹ phải lật đật tìm đọc truyện ấy ngay để hiểu hơn về con trai của mình. Như vừa rồi, nhỏ đi xem kịch về, nhỏ tấm tắc hoài, sao từ cử chỉ, lời nói cốt cách của các vai trong vở kịch giống các bà dì của mình dữ vậy hả mẹ và nhỏ phán luôn "còn mẹ giống y chang tính nghiêm khắc của bà mẹ do cô Kim Xuân đóng". 
     
                                               
                                                                                                                   Sưu tầm
            Nhưng điều quan trọng, nhỏ nói với tôi và tôi cứ suy ngẫm mãi "Sao trước đây hình ảnh một người đàn ông đẹp theo con là những hình ảnh một soái ca trên phim ảnh Hàn quốc, có chăng những cử chỉ hành vi đẹp nói về người đàn ông là do con đọc được trong sách vở hay là những hình ảnh mà mẹ đã từng hướng dẫn con khi làm bài nhưng bây giờ con cảm được hay nói rõ hơn là con cảm thấy mình có một cảm giác thật lạ cái đó có phải là sự rung động không hả mẹ ?" . Gấu mẹ hỏi con " hình ảnh gì mà con cảm thấy xao xuyến thế...?. Nhỏ thẻ thọt nói" . " Con biết rung động hình ảnh của một thanh niên khi đang nấu ăn đứng trong gian bếp với bề bộn nồi, chảo, thớt dao..., hình ảnh ấy quá đỗi bình thường, nhưng không hiểu sao khi con hình dung hình ảnh của mẹ con mình cùng nhau vào bếp, từ cử chỉ thái thịt, chiên xào, gia vị nêm nếm... con liên tưởng đến hình ảnh của một người đàn ông làm công việc bếp núc như thế..con cảm được và thấy hình ảnh ấy thật bình dị, gần gũi  nhưng cũng thật đẹp... không hiểu sao bây giờ con mới cảm nhận được, chứ trước đây con nghe nhiều, thấy nhiều trong phim ảnh nhưng chưa bao giờ có cảm giác thế mẹ ạ. !
     
                                                                                                             
                                                                                                                   Sưu tầm

          Vậy đấy, thêm một tuổi, thêm nhiều suy nghĩ, mong rằng cuộc sống sẽ cho các nhỏ thấy nhiều thứ đáng trân trọng, đáng suy ngẫm mặc dù nhìn thoáng qua điều đó quá đỗi bình dị, chân phương. Cái đẹp được nhìn nhận qua sự giáo dục, qua nhận thức...mỗi ngày hãy cho ta biết con đã cảm nhận được cái đẹp, cái giá trị nào trong cuộc sống quanh mình, đó chính là hành trang quý giá để các con tiếp bước vào đời. Ngồi khóc trên cây ...hay hình ảnh của một thanh niên vào bếp với tất cả tình yêu thương đặt vào trong từng món ăn cho gia đình. Còn gì nữa, hãy cảm nhận và cho ta biết các con nhé !
                                                                                                                           Bảo Nghi
        .

Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

Để thành người tử tế...


          Tôi thường sưu tầm những bài viết hay để tặng hai thiên thần của tôi, giống như trước đây tôi đã từng gởi cho hai bạn "Bức thư của Abraham Lincoln gửi thầy giáo của con trai"; thì hôm nay đọc được một tâm thư rất hay nói lên nhiều điều mà mọi người có thể đã từng cảm, từng nghĩ hoặc chưa...thì bây giờ bức tâm thư này đã nói lên hết những điều ấy. 
            Đọc, ngẫm, nghĩ và làm nha hai bạn !
                                                                                                                      Bảo Nghi

                                                Tâm thư gửi chú Đoàn Nguyên Đức 
                                          Người thầy của thế hệ vàng bóng đá Việt Nam
                       
          Thưa chú, cháu là Đoàn Nguyên Khang, công việc chính là dẫn chương trình. Ai cũng bảo cháu là cháu ruột của chú, có lẽ vì cháu có cùng họ, cùng cả chữ đệm với chú. Đôi lần cháu cũng bẽn lẽn mắc cỡ vì được là họ hàng với một người tài năng, có tầm nhìn xa trông rộng và khiêm tốn như chú. Nhưng chú là tỷ phú, còn cháu vẫn đang phấn đấu thành tỷ phú.
         
                                                                                                                    Sưu tầm
             Thưa chú, khi xem đội tuyển U23 thi đấu, cũng như hàng triệu trái tim Việt Nam khác, cháu vỡ òa hạnh phúc với thế hệ cầu thủ tuyệt vời, đẳng cấp và xuất sắc của Việt Nam. Điều khiến cháu ngưỡng mộ khi chú là một trong những người đã ươm mầm cho bóng đá Việt Nam có được ngày hôm nay. Những học viện bóng đá, những câu lạc bộ bóng đá được mọc lên trên khắp cả nước cách đây từ 7-8 năm trước đã tuyển mộ đào tạo những thế hệ cầu thủ nhí chân đất đá bóng nhựa, những đứa trẻ nhà nghèo cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, những đã được dạy dỗ cho ăn học đàng hoàng, phép tắc lễ nghĩa và mời cả huấn luyện viên giỏi về đào tạo các em. Đó cũng lý giải vì sao cháu rất ngạc nhiên trước sự lễ phép, đàng hoàng khi thấy các em ấy dùng tay bới tuyết trắng cho đồng đội mình sút phạt. Cháu đã thấy những cái cúi đầu cảm ơn cổ động viên lặn lội sang Trung Quốc vì họ, cháu đã thấy những khuôn mặt dù không có gì lót bụng cả ngày dài nhưng vẫn nở nụ cười vẫy tay chào người hâm mộ. Cháu rưng rưng nước mắt xúc động thật sự chú ạ.
         
                                                                                                                     Sưu tầm
                 Những bài học đạo đức ấy không thể dạy chỉ một ngày, hai ngày, mà là cả hàng mấy năm trời bên cạnh việc dạy kỹ năng đá bóng, để dạy các em ấy vừa thành tài vừa thành nhân.
           Những bài sinh học đã dạy cho cháu biết, muốn thu quả ngọt từ cây, ngoài hạt giống tốt, ngươi nông dân cần phải tốn công vun trồng chăm sóc. Và cháu thấy chú còn vất vả hơn cả người nông dân ấy nữa chú ạ. Thưa chú, cháu còn rất cảm động khi biết chú đã không sang Trung Quốc vì sợ ảnh hưởng tâm lý thi đấu của các em, chú muốn các em toàn tâm toàn ý cho việc ra sân tốt nhất. Sự hy sinh ấy nó mạnh mẽ biết nhường nào. Là một trong những người có công lớn trong việc phát hiện đào tạo cho các em tỏa sáng nhưng cháu thấy chú chỉ âm thầm quan sát từ xa, cháu cũng mong sẽ thấy chú trên chuyến xe buýt đón đoàn từ Nội Bài về thủ đô. Cháu từng nghĩ, chắc lúc ấy khi theo dõi qua truyền hình, chú đã khóc vì xúc động trước tình cảm của hàng triệu con tim Việt Nam dành cho các cháu. Từ những cầu thủ nhí... đến những chàng trai trưởng thành
       

                                                                                                                     Sưu tầm
             Thưa chú, cháu nghĩ, điều hạnh phúc nhất của người thầy, hay đúng hơn là người cha thứ hai không phải là nhận phần thưởng về mình, mà là nhìn thấy các con mình đã gặt hái được những thành công thắng lợi mà 7,8 năm trước mình cùng các con vẫn đội nắng đội mưa để tương lai đong đầy những giọt nước mắt hạnh phúc của các con mình, chú nhỉ.
           Thưa chú, cháu còn quý chú hơn nữa khi cháu được biết chú là người đã bất chấp những khó khăn vất vả để mời được HLV Park Hang Seo đến Việt Nam. Vì theo chú, những người giỏi, mình phải đích thân đi mời họ, họ mới quý mình, mới trân trọng mình, vì họ cũng tự trọng lắm. Cháu học được điều này ở chú, và cháu thấy ở chú một tầm nhìn rất xa, rất rộng. Người ta thường nói: 'Dưới trướng các tướng tài không có quân sĩ dở'. Và cháu từng nghe mọi người nói:
                             "Muốn đi nhanh, đi một mình. Muốn đi xa, đi nhiều người"
       


                                                                                                                    Sưu tầm
            Các cầu thủ U23 Việt Nam đi xa đến đẳng cấp Châu Lục, không phải chỉ là kết quả của một cá nhân, mà là của cả tập thể, từ các cầu thủ tài năng, đến huấn luyện viên, và cả những người góp công âm thầm như chú. Thế nên, cháu cũng hơi buồn khi mọi người chỉ tung hô một vài cầu thủ nổi bật, mà quên đi bóng đá là môn thể thao đồng đội, nó đến từ sức mạnh của cả một tập thể. Cháu cũng mong các em còn lại không buồn khi mình bị quên lãng trong một khoảnh khắc nào đó, vẫn kề vai sát cánh cùng đồng đội của mình tiếp tục thi đấu mang vẻ vang về cho đất nước.
            Thưa chú, ngay khi mọi người dành nhiều tình cảm cho U23, cháu vẫn dành tình cảm yêu quý đặc biệt dành cho chú.
            Nếu không có những người thầy như chú Đức, có lẽ Việt Nam vẫn còn đang cạnh tranh vị trí với Thái Lan ở sân chơi Sea Games, chứ không thể nhảy một bước xa đến đẳng cấp Châu Lục như vậy, chú ạ. Cháu mong rằng, tương lại sẽ có thêm nhiều người như chú Đức, xây dựng thêm nhiều học viện bóng đá trên khắp Việt Nam, có thêm nhiều lứa cầu thủ giỏi hơn nữa để giúp Việt Nam tiến đến World Cup. Cháu hiểu rằng, thể thao đã giúp những con người vốn dĩ không quen biết trở nên yêu thương nhau hơn, thể thao giúp đưa hình ảnh của đất nước lên một tầm cao hơn, thể thao giúp quảng bá hình ảnh của đất nước tốt hơn. Cháu cũng hy vọng thể thao sẽ được đưa vào trường học nhiều hơn, những câu lạc bộ thể thao tại các trường cấp 2, cấp 3 và đại học sẽ được đẩy mạnh. Học sinh, sinh viên được học 1/2 buổi, thời gian còn lại sẽ dành cho việc học thể thao, để phát hiện thêm nhiều hạt giống cho thể thao nói chung và bóng đá nước nhà nói riêng.
         

                                                                                                                    Sưu tầm
            Thưa chú, cháu mong rằng, khi nhắc đến Việt Nam, quốc tế không chỉ biết đến đây là một đất nước có nhiều thắng cảnh đẹp, ẩm thực phong phú, người dân hiền hòa, mà còn có cả một đội bóng mạnh như khi người ta nhắc đến Brasil, Pháp hay Argentina...Và Việt Nam hoàn toàn có đủ tố chất và điều kiện để được như thế, chú nhỉ. 
            Tổng thống Mỹ John F Kennedy từng nói: "Chúng ta cần phải tìm thời điểm thích hợp để dừng lại và cảm ơn những người đã tạo nên sự khác biệt cho cuộc đời mình" Cháu thích câu nói này, và cháu cám ơn chú đã mang đến sự khác biệt cho bóng đá Việt Nam. Cháu thích cái cách Công Phượng ôm lấy chú, và viết những dòng comment cám ơn chú trên một bài báo. Cháu tin, chỉ có những người thầy có tâm, mới huấn luyện được những học trò có tâm. Có người hỏi cháu rằng, anh có muốn nhắn gửi điều gì đến U23 không. Cháu lặng đi một lúc và nói: 'Nếu được, anh mong các em hãy dành một buổi tối ăn một bữa cơm thân mật với thầy Đức, hay những người thầy đã dạy các em, và nói một câu cám ơn các thầy. Đó là món quà quý nhất mà mọi người thầy trên thế giới này mong mỏi nhất'. 8 năm trước, thầy trò mình từng ngồi với nhau ăn bữa cơm chung đạm bạc, và chắc chắn rằng 8 năm sau, bữa cơm ấy sẽ không bao giờ quên trong ký ức của những thầy trò, mãi mãi về sau.
                                                                        Cám ơn chú Đoàn Nguyên Đức
                                                                                                              Kính thư
                                                                                                Cháu Đoàn Nguyên Khang



Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2018

Trước thềm năm mới...

            Lần nào cũng vậy, mỗi khi lên chùa thăm mấy nhỏ tâm trạng thật khó tả. Nhỏ gọi điện " Mẹ sắp xếp vào thăm mấy em mẹ nha!. Nếu thật sự có thế giới bên kia, chắc mấy nhỏ của tôi trong chùa trách mẹ nhiều lắm, vì lúc nào BB cũng nhắc ngày cho mẹ vào. Cuộc sống quá nhiều thứ để bà mẹ này giống như một vận động viện chạy nước rút, nếu không có BB gọi điện chắc tôi cũng quên vào thành phố để viếng chùa thăm con. Cứ mỗi năm đến Trung thu, Tết đến BB đều nhắc mẹ vào thăm các em ở chùa. Có lần có cả người đàn ông sáu múi đi cùng nhưng thường nhất là BB chở mẹ đi. Ngôi chùa Từ Quang ở ven quốc lộ 1 A, huyện  Bình chánh, một ngôi chùa không được khang trang như những ngôi chùa trong thành phố, ngoài sảnh chính của chùa thì bên ngoài vẫn còn bề bộn không được tươm tất như các ngôi chùa tôi thường đi nhưng đặc biệt đây là ngôi chùa mà các ông bố bà mẹ đã gởi gắm danh phận con mình khi chưa được cất tiếng khóc chào đời, bố mẹ còn chưa biết con mình là trai hay gái.... Nơi tòa chánh điện lung linh ánh phật thì tòa nhà bên là hình ảnh mà ai bước vào đều có một cảm giác thật khó tả, vừa thiêng liêng, vừa ngộ nghĩnh và thật cảm động, trên bước tượng phật lớn cười hiền hòa là những bước tượng của nhiều hài nhi đang quây quần, vui cười, chạy nhảy dưới chân bên phật, dưới chân các con  là bánh, kẹo, sữa... được gắn lên rất nhiều do người đến viếng
                                                                                                                     Sưu tầm
           BB ngồi viết tên vào những mười sáu bộ đồ giấy cho các anh chị em, nào của mẹ, của Út Tiên, của mợ ba, mà nhiều nhất cậu mợ đến năm em, cứ có thai rồi bị hư thai...Ngồi kề bên nhìn BB nắn nót viết tên ... tôi lại nghĩ giá như không có sự cố gì biết đâu BB và Milo sẽ có anh hoặc chị và chắc chắn BB có thêm em. Nhìn con bé kính cẩn trong khi viết, trong khi thắp đèn, trong khi khấn nguyện trước bàn thờ, mới thấy rằng con rất tin vào thế giới bên kia và rất thương anh chị em của mình. Tôi quên là nhỏ lại nhắc mẹ, nhiều khi mẹ bảo chở đi đây đó là nhỏ có thể thoái thác nhưng khi đi viếng chùa hoặc viếng chùa thăm các anh chị em là nhỏ không bao giờ từ chối, mặc dù con đường đi rất xa, nhất là ngày hôm qua hai mẹ con về đến nhà là nhỏ rên rỉ " mỏi lưng quá mẹ ơi". Trời nắng, đường xa và những ngày cận tết, ngoài đường xe cộ tất nập, chằng chịt nhất là trên đường toàn xe tải, mười hai giờ trưa chưa thấy hai mẹ con về là ông, bà và Út Tiên gọi điện liên tục..
                                                                                                                       Sưu tầm
              Thương các con, các cháu đang ở trong chùa nhưng nhìn BB và Milo mình càng thương hơn, nhiều khi mình quá khắc khe, quá nghiêm khắc với con, mình quá tiết kiệm lời khen cho con, vì cứ nghĩ rằng nếu khen thì hai chị em nhà này lại tự mãn, tự cao và một điều quan trọng ngoài kia còn nhiều người đồng lứa giỏi hơn rất nhiều. Minh cứ bảo : "Hãy bước xa hơn, cao hơn  ngày hôm qua nha hai chiến binh trẻ của tôi". Nói như thời sự bây giờ Việt Nam tự hào có U23, còn tôi tự hào khi có hai người !
          Chỉ những việc làm nhỏ của hai người, tôi tự tin hai người sẽ là những người tử tế. Chỉ cái cách nhỏ thường nhắc mẹ gọi điện thoại cho bà, cái cách nhỏ nhắc nhở mẹ vào đi chùa thăm các em, cái cách nhỏ nghiêm khắc với Milo mà nhiều lần mẹ la té tát, nhỏ khóc quằn quại và nói " Mẹ không để con dạy Milo, mẹ nhún nhường ..." nhưng sao rốt mẹ thấy nó vẫn đúng nhưng phải nói một điều nó quá cứng ngắt, mẹ hy vọng rằng cuộc sống sẽ cho nó thấy để nó thay đổi.
            Trước khi hai mẹ con đi chùa, nhỏ lấy hai phong bì màu đỏ thẳm của VUS trịnh trọng "con lì xì ông bà năm mới", mọi người ồ lên nhỏ tiếp tục  "nhưng khi ông bà lì xì các cháu thì con vẫn được phần đó nha", ai cũng cười nắc nẻ và hỏi còn ba mẹ, Milo nữa, nhỏ cười lớn " những nhân vật quan trọng này để về NT". Bà năm trên giường cười sung sướng và phán một câu xanh dờn" Chị còn thiếu tui ba trăm đó nhe' Con khỉ già nhảy cẩng lên " Ngoại, sao ngoại đòi tiền lúc này.." 
           
                                                                                                                    Sưu tầm
           Năm mới sắp đến rồi, ông bà yếu hơn, ăn ít hơn nhưng mỗi khi nó qua thăm ông bà lại cười nhiều hơn, mong sao nhỏ có nhiều thời gian hơn để qua thăm ông bà.
           Chuẩn bị bước qua một năm mới, mong rằng các con trong chùa vẫn an nhiên, trong trẻo; mong rằng con khỉ già và người đàn ông sáu múi vẫn mạnh mẽ, ngoan cường; mong rằng mọi việc đều tốt đẹp như những gì mà gia đình hằng mong ước.
           Chào đón năm mới, các chiến binh vẫn thế mà tiến lên!
                                                                                                                         Bảo Nghi

Thứ Ba, 23 tháng 1, 2018

Khi con khỉ xem bóng...

          Yeahhhhh...thắng rồi, cho con mười ngàn đi ! Thưởng nóng con đi. Việt Nam thắng roài ! Ha ha ha...
        Con khỉ già là thế, đang ngồi làm việc mà nhắn tin về cho mẹ, chẳng biết cô nàng có xem trận bóng được gì không,  mẹ hỏi đang làm gì, thì chụp màn hình máy tính đang làm việc gởi về cho mẹ. Cái tính vẫn vậy, Việt Nam thắng mà đi thưởng cho nhỏ. Như những lần sinh nhật của người đàn ông sáu múi, nhỏ nhắn tin về có vẻ trịnh trọng " Mẹ ơi, sinh nhật của Milo rồi, mẹ định tặng gì cho con, hả mẹ ????"

Không khí tết nguyên đán lại về, chỉ còn không lâu nữa nhỏ lại thêm tuổi. Nhớ đêm giao thừa chuẩn bị Tết  dương lịch vừa rồi (ngày 01/01/2018), hai mẹ con chat trên zalo, tội nhỏ và người đàn ông sáu múi, dự định đêm đó hai chị em đi chơi, dự định lần đầu tiên của mấy năm ở thành phố nhỏ sẽ đón giao thừa tại trung tâm thành phố, ngay phố đi bộ với đủ hình thức sinh hoạt, với đủ cung bật cảm xúc của mọi tầng lớp nhất là thanh niên và nhất là người nước ngoài, vì tết của họ mà. Hai chị em hăm hở náo nức lắm, năm nay nhỏ mạnh dạn đề xuất xin mẹ đi, vì năm nay có Milo vào thành phố học nên hai chị em cùng đi và mẹ, ông bà, cậu mợ an tâm khi nhỏ đi cùng với người đàn ông to xác nhưng vai vế lại nhỏ. Bao dự định sôi nổi, háo hức của hai chị em bất ngờ không thể thực hiện được, bà bị té chấn thương mà mẹ cuối năm không thể vào được vì cơ quan phải làm cả ngày thứ bảy, chủ nhật. Vì lý do đó, nhỏ và em trai phải qua trông bà, ngay đúng cái đêm mà mọi người nhất là người nước ngoài đón chờ thời khắc thiêng liêng và trang trọng của năm mới bước sang...cái cảm giác mà bạn bè nhỏ đã từng được trãi nghiệm ở thành phố này như đón giao thừa, như đi lễ hội...vào những buổi tối thì hầu như không bao giờ nhỏ được nếm trãi, vì bạn bè có rủ rê nhưng ba mẹ, ông bà và ngay cả các bà dì bên quận ba đều không đồng ý. Con gái mà...



         Tối đó, vì sợ tiếng ồn ông bà không ngủ được, nhỏ nói chuyện với mẹ qua chat, còn người đàn ông sáu múi nằm kề bên say sưa với iPad, vì cả tuần học bây giờ mới được chơi máy tính, chẳng màng gì với bà chị kề bên. Hai mẹ con nói chuyện thật lâu, nhỏ tâm sự đủ chuyên, từ chuyện học hành đến chuyện đi làm...nhỏ nói nhiều lắm... nhưng mẹ vẫn nhớ hoài một câu của nhỏ và mẹ mong nhỏ vẫn cứng rắn, vững vàng như những tháng ngày vừa qua " Con chấp nhận kém trong một tập thể giỏi, chứ con không bằng lòng mình nổi trội trong một tập thể kém mẹ à !". Có nói bao nhiêu, có hứa bao lời nhưng chỉ một câu nói đó của nhỏ làm mẹ yên tâm và hạnh phúc. Hãy là con khỉ bước tiếp những bậc cao nhất trong khu rừng đại ngàn kia đi. Cánh cửa cuộc sống rộng mở đối với những ai mạnh mẽ và đầy kiên nhẫn. Không có thành công nào mà trãi đầy hoa hồng cả. Vẫn trẻ con trong mắt của mẹ, vẫn vững chải, nghiêm khắc trong mắt của em trai... 
       "Con chấp nhận kém trong một tập thể giỏi, chứ con không bằng lòng nổi trội trong một tập thể kém mẹ à !"
        Cứ vậy con nhé, con khỉ già của mẹ !.
                                                                                                                            Bảo Nghi