Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Không đề

  
          Có những lúc tôi cần ..., chạy ào ra buông bỏ mọi ưu phiền, bạn giang tay nâng tôi nhè nhẹ, vỗ vào tôi như thể tình đầu,
          Có những lúc bình minh thức dậy, sóng lăn tăn cát sột soạt dưới chân mình, bạn xanh biếc màu thiên thanh bất diệt, ôm vào lòng, bạn vẫn mãi trong tôi,
          Có những lúc mây đen vần vũ, bạn thét gào từng ngọn sóng ầm vang, bạn là ai …cứ ngỡ mãi không quen, tôi đau đáu nỗi niềm riêng với bạn,
          Có những lúc trời yên gió lặng, cứ ngỡ rằng, tôi-bạn mãi không xa, điệp khúc biển cứ rì rào như thể, sóng vỗ bờ, chỉ có bờ hiểu biển mà thôi,
          Tôi là gió ngàn năm bên biển, cùng biển mỗi chiều đưa cánh hải âu, 
          Có ai đó từng ngân nga nỗi nhớ "Nếu phải cách xa ... biển bạc đầu thương nhớ.." lời ví von ngân vào vách đá  "Chỉ có thuyền mới hiểu, biển mênh mông nhường nào..." Tôi và biển ở hai đầu nỗi nhớ ! Khắc khoải, ngóng trông...biển hát mỗi chiều,
          Xin là gió ngàn năm bên biển !
          (Bài có sử dụng một số câu thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh)
                  
                                                                                                                 Bảo Nghi
                                                                                                    

Mặt trời và mặt trăng

Mẹ thường ví nó và thằng em trai mũm mĩm dễ thương là mặt trời và mặt trăng của mẹ. Mặt trời chói lòa, rực rỡ với sức công phá có thể thiêu cháy cả vạn vật; còn mặt trăng với ánh sáng dìu dịu đem đến cảm giác yên bình và thơ mộng. Cả hai hành tinh  trái ngược nhau hoàn toàn nhưng không thể thiếu được trong cuộc sống của quả địa cầu. Mẹ là quả địa cầu, cuộc sống của quả địa cầu có tồn tại, có như thế nào đều do ảnh hưởng cực kỳ lớn của mặt trăng và mặt trời.
                                                                                Sưu tầm
Mà mẹ ví cũng đúng thật nhưng nó cũng nói với mẹ rằng, mặt trời của con ấm áp đâu đến nỗi thiêu rụi hết mọi thứ hả mẹ ?. Nó kể cho mẹ nghe bạn bè nó cứ nghĩ nó tiểu thư, bánh bèo lắm... nhưng chỉ có mẹ, bạn thân hay người thường xuyên tiếp xúc với nó mới hiểu hơn về nó. Bên cạnh vẻ mỏng manh yếu ớt và nhạy cảm, thì tinh thần của nó rất mạnh mẽ nhiều khi biểu hiện sự cực đoan đằng khác, vì thế, mẹ lúc nào cũng phải nhắc nhở, uốn nắn cho nó.
Nó và thằng em trai cách nhau chín tuổi, với uy lực của một bà chị, nó nhận định được tình hình chiến sự của vai vế đã bị thay đổi trong gia đình, từ một đứa con, đứa cháu đầu tiên trong họ ngoại nó như một nàng công chúa được bao người quan tâm, cưng chìu; nói ai đâu xa, cậu ba nó là một người cực kỳ ít nói, nghiêm nghị, không thích bộc lộ tình cảm của mình ra ngoài nhưng khi có nó cậu khác đi trông thấy. Mỗi lúc gia đình nó có dịp vào thành phố, khi gp nó là cậu ẳm bồng mua đồ chơi và nhất là những lần đi chơi với người yêu cậu (là mợ ba sau này của nó) đều có chở nó đi cùng; còn ông bà ngoại nó thì khỏi nói, hàng ngày ông bà thay nhau chăm nó cực kỳ chu đáo, bởi vậy khi đặt tên cũng hàm ý nó bảo vật quý giá của gia đình, mặc dù tên đó thường được đặt cho con trai…
Và từ khi mặt trăng xuất hiện, mặt trời bị rớt giá thảm hại, nó thường khôi hài “con giống như chôm chôm Long Khánh rớt giá còn hai ngàn một ký đó mẹ !”. Mặc dù nói thế nhưng mẹ nó hiểu, nó ngày càng thương em nhiều hơn, mẹ nói trước đây khi sinh em, nó cà nanh và ganh tị với em nhiều lắm. Như chuyện mẹ bảo nó đưa võng cho em ngủ, nhưng lâu lâu mẹ lại nghe tiếng thằng bé ré lên khóc rất lớn, đó là những lần nó cấu cho thằng em một cái rõ đau; hay mỗi lần mẹ bắt trông em, lúc em chưa biết đi và ngồi chưa vững nhưng nó bắt em ngồi trên giường, xung quanh em, nó chất đầy gối để em đừng ngã  và bắt mắt em phải hướng lên cây thước mà nó đang gõ trên tường, đó là lúc nó làm cô giáo. Mẹ kể, khi thấy cảnh ấy trông hai chị em thật dễ thương nhưng thật lòng mẹ cũng rất lo, vì em chưa ngồi vững mà nó bắt em ngồi, vả lại thằng bé bị bắt phải đọc theo tiếng gõ thước của chị trong khi em chưa biết nói. Mẹ còn kể nhiều khi giặt tấm drap trãi giường mẹ thấy dòng chữ viết bằng bút nguyên tử của nó “Buồn ghê…vì sao mẹ lại thương em nhiều hơn mình..” (Chịu nỗi không, tâm sự buồn sẳn trớn nằm trên giường cầm bút viết bậy trên drap). Sau này nó hỏi mẹ, lúc đọc câu viết ấy mẹ thấy sao, mẹ trả lời không do dự “Muốn đè xuống đánh cho một trận” viết đâu không viết nhè viết bằng bút bi mẹ không giặt ra. Nói vui thế nhưng mẹ cũng thừa nhận với nó, mẹ có lỗi là chưa xử sự đúng mực khi nó có em nhỏ, mặc dù tình thương yêu như nhau, lo lắng như nhau nhưng để thể hiện sự quan tâm lúc ấy phải hết sức tinh tế, nhất là nó là đứa con, đứa cháu đang rất được mọi người “sủng ái”…mà ngày đó ba mẹ nó chưa đủ kinh nghiệm nhiều để bày tỏ tình cảm, thái độ cho nó hiểu, vì lúc đó em còn nhỏ nên ai cũng quấn quýt bên em. Nói thì nói vậy thôi, nhưng nó yêu em nhiều lắm, gọi điện về cho mẹ lúc nào câu đầu tiên cũng là “Milo sao rồi hả mẹ…”. Rồi thì mẹ kể về mặt trăng của mẹ với niềm tự hào cao độ đến nỗi nó hờn mát “ Cũng là con nhưng sao có đứa như trứng gà, trừng vịt vậy trời…?” nhưng kèm thêm đó là giọng cười hào sảng của một đấng “nam nhi đại trượng phu” của nó.
                                                                                    Sưu tầm
Cũng vì có em, mẹ càng hiểu tính tình của nó nhiều hơn, nó là bà chị thương em với tình cảm hết sức chân thành nhưng cũng hết sức nghiêm khắc, mà cái nghiêm khắc của nó làm cho mẹ phải lo, vì mẹ sợ nó làm em đau. Mỗi lần nó ở nhà giữ em thì thế nào về lúc nào nó cũng bị ba mẹ mắng cho một trận. Có hôm đi về mẹ thấy nó rửa chén xong nhưng lại bắt em đi úp chén vào rổ, mà thằng bé tuổi mới đi mẫu giáo, bàn tay chỉ cầm được một cái chén, đằng này em phải đi úp hết một thau chén nó vừa rửa xong, thằng bé mỗi lần đi từ nơi rửa đến nơi úp chén chỉ cầm được một cái, ba mẹ thấy em đi tới đi lui mà muốn chóng mặt, thế là mẹ la nó, nó hờn mẹ vì sao không cho nó dạy em, để tập em làm việc…hay lúc không có ba mẹ ở nhà em nó đi ị, nó không dám rửa cho em, chỉ lấy vòi nước xịt vào thằng bé và bắt thằng bé lấy tay cúi người xuống tự rửa…Bởi vậy mẹ nói, tính nó nhiều khi không mềm mỏng, làm gì là làm tới nơi chứ không hiểu sự thể thế nào… nhưng bây giờ cuộc sống đã dạy nó nhiều hơn rồi.
Nhớ những lần sinh nhật của mặt trăng, quà của ông bà, cậu dì gởi ra, nó là người có đặc quyền mở quà trước (cái này nó tự cho mà ba mẹ cũng làm ngơ) và tự lựa chọn món quà mà mình thích, mặc dù đó là sinh nhật của em; mà thằng em thì hiền lắm, ngồi kề bên cứ thỏ thẻ “Chị B thích cái gì thì lấy đi, còn lại đưa cho em”, mẹ kể, mẹ thấy cảnh ấy thật bất công, con nhỏ chị thật quá đáng; ngay cả tiền lì xì, thằng em có bao nhiêu cũng đều đưa chị giữ, chỉ có Tết năm nay, cái năm mặt trăng học lớp chín, sau thời gian chịu sự kìm kẹp của bà chị, ông nhỏ phán một câu xanh dờn “Năm nay tiền lì xì để em giữ nhe”.Thật ra, mặt trời, mặt trăng có dành giữ tiền đi nữa nhưng sau Tết cũng đều tự nguyện đưa cho mẹ mở sổ riêng cho chị em để dành, nhưng hai vị này lúc nào cũng đều thích thể hiện quyền sở hữu thuộc về mình.
                                                                                  Sưu tầm
Những lần nghỉ hè hay lễ tết về nhà, nó đều trổ tài nấu nướng, tội cho thằng em nếu lỡ thức ăn nấu không ngon cũng phải ráng khen, vì biết nếu có ý kiến ý cò coi như bị bà chị giảng cho một bài học đạo đức, thế nào là cực khổ của một người đầu bếp…và bắt buộc phải ráng ăn bằng hết, còn nếu không tuân thủ thì sẽ không có cơ hội được nấu cho ăn những lần kế tiếp…những chuyện như thế mới biết mặt trời cực đoan đến mức nào.
Nói thì nói vậy thôi ch mặt trời không phải chỉ có sự gàn và cố chấp như thế, nó là đứa tý thức được mình đang đâu, làm gì, trách nhiệm và hết mực chia sẻ buồn vui với bà và mẹ. Lúc nào mnó cũng đều nói phải chi hai chị em được gần bên nhau thì mđỡ biết bao, khi có nó ở nhà em nó rất nghiêm túc trong gihọc, nghỉ ngơi và làm việc nhà, vì mẹ lúc nào cũng mềm lòng trước đề nghị xin xỏ của cậu con trai. Mỗi lần mẹ gởi tiền nó không dám dùng cđể dành rồi khoe lại với mẹ, cđến sinh nhật mọi người trong nhà là lại lấy ra mua quà, mà lại mua thđắt tiền nữa ch. Thời gian học ở thành phố nó có hai lần gọi điện về cho mẹ trong một tâm trạng hết sức tuyệt vọng, nó kể cho mẹ nghe về hai người bạn gái mà trước đây nó cũng không có nhiều tình cảm nhưng khi biết biến cố xảy ra ở gia đình bạn, làm nó thương bạn và cảm thấy hối hận khi chưa hiểu về bạn mình nhiều hơn. Bạn gái thứ nhất chỉ có cha lo lắng cho bạn, bạn thiếu tình cảm của mẹ, ngày bạn khóc với nó, nó về kể cho bà nghe, bà nghe xong gọi điện cho mẹ nó bảo "Tội cho những đứa trẻ, người đã lớn làm tổn thương chúng", bạn gái thứ hai phải nghỉ học vì cha đột ngột qua đời, mẹ bạn không thể đóng tiền cho bạn tiếp tục việc học…Hai câu chuyện trên làm nó mất niềm tin trong cuộc sống trong một thời gian khá dài, làm mẹ nó phải giải thích, phải động viên cho nó, để nó hiểu rằng trên đời này không có gì là bất biến, mọi thứ điều có thể xảy ra nhưng quan trọng mỗi người tiếp nhận nó bằng cách nào. Và điều quan trọng nó đang sống cùng ông bà, cậu, dì…những người đã có gia đình nên nó càng nghe nhiều, hiểu hơn về những va chạm nảy sinh trong cuộc sống.
Thế đấy, mặt trời, mặt trăng vẫn là những câu chuyện dài của quả địa cầu kể hoài không hết…
Tuổi đời sẽ nhiều, trãi nghiệm sẽ sâu… nhưng mãi mặt trời, mặt trăng vẫn là hành tinh độc tôn của quả địa cầu./.
                                                                                        Bảo Nghi

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Nước mắt chảy xuôi

Bạn đã hỏi tôi “Niềm tự hào của tôi là gì ? “
Không khó để trả lời, không đắn đo để suy nghĩ, câu trả lời đã có tự khi tôi đã biết nhận thức được cuộc sống và càng nhận thức sâu sắc hơn từ khi tôi đã trở thành bậc làm cha làm mẹ.
Mỗi người đều thần tượng và tự hào trước một hình mẫu của riêng mình, đối với mỗi người xung quanh có thể cha mẹ tôi vẫn chưa hoàn hảo, chưa thật đẹp nhưng đối với chị em chúng tôi hình mẫu cao đẹp và là niềm tự hào thiêng liêng nhất chính là ba mẹ của chúng tôi.
Cha mẹ đều có một mẫu số chung duy nhất: hy sinh và hy sinh cả cuộc đời mình cho những đứa con rất mực thương yêu của mình. Có ai đó đã từng nói rằng, khi bạn đang ở trong giờ phút thập tử nhất sinh nhất thì người sẳn sàng hy sinh đến tính mạng của mình để cứu bạn, đó chỉ có cha mẹ của bạn. Câu nói ấy ngày càng được khẳng định hơn khi tôi đã làm mẹ. Khi có con tôi càng hiểu hơn về cha mẹ mình, khi có con tôi càng thấm thía nỗi đau của cha mẹ.
Tôi vẫn nhớ hoài câu chuyện nhỏ cách đây đã gần bốn mươi mấy năm, khi ấy tôi mới học lớp hai, cái tuổi thường phải thay răng sữa, trước khi đi làm ba lấy tay sờ thử vào chiếc răng sắp sửa phải nhổ của tôi dặn dò “ở nhà con thường xuyên lung lay răng cho thật mềm để khi ba về ba nhổ cho đỡ đau, nếu không thường lung lay, răng sẽ cứng lại, nếu nhổ không kịp răng khác sẽ mọc lên rất xấu”. Vì còn nhỏ tôi cũng quên luôn lời dặn của ba, còn má tôi thì tất bật với công việc nhà nên cũng không quan tâm đến, để khi mấy ngày ba về, chưa để ba vào đến nhà tôi đã chạy ào về phía ba khóc nức nở “ Ba ơi, răng con không lung lay được nữa, nó đã mọc thêm một cái răng mới rồi” không kịp thay bộ đồ đang mặc ba đã lật đật kéo tôi ngồi vào ghế và nhẹ nhàng lung lay chiếc răng của tôi cho đến khi ba nhổ nó ra khi nào tôi cũng chẳng hay biết. Và cũng thời gian đó tôi chạy nhảy bị té gãy tay phải bó bột, bác sĩ khuyến cáo khi cắt băng bột cần phải tập luyện tay thường xuyên nếu không cánh tay sẽ trở thành cáng vá, có nghĩa là cánh tay bị lệch đi về phía sau và cũng chính ba là người trực tiếp tập luyện cho con gáí. Nhớ những buổi trưa oi nồng của mùa hè cả nhà ai cũng chìm vào giấc ngủ, chỉ có ba và tôi, ba ngồi đó nhẹ nhàng nhắc nhở con gái phải cố gắng kiên trì tập luyện khi cánh tay đã được bác sĩ cắt băng bột, với thân hình nhỏ bé của con nhỏ mới học lớp hai, ba bắt tôi phải cầm cái chai nước biển to đùng đi tới đi lui trong nhà để tập luyện vì sợ cánh tay của con gái lớn lên có tật.
Nhớ những tháng ngày sau năm 1975, gia đình cực kỳ khó khăn trong sự khó khăn chung của đất nước, sau một thời gian đi học tập về không có việc làm ba phải đạp xe chở khách hàng ngày để có tiền giải quyết cho mấy miệng ăn của gia đình. Trong thời điểm ấy, tuy cực khổ nhưng ba vẫn tằn tiện mua bằng được một cây đàn guitar cho thằng em trai từ tiền dành dụm của những cuốc đạp xe. Ba đem cây đàn về trong một buổi chiều sập tối, cả nhà rất vui nhưng người sung sướng nhất là cậu em trai của tôi, vì cây đàn là món quà mà em hằng ao ước. Mặc cho con đường dài hơn chục cây số lên nhà người cô phải qua những đoạn đường đá lổm chổm, vượt qua những khu vườn vắng vẻ của buổi chiều muộn mà nếu như bình thường thì tôi không bao giờ dám đi một mình nhưng tại thời điểm ấy tôi dã bỏ dép chạy thục mạng lên nhà bà cô để kêu em về báo một tin vui đọng trời. Một cái tin như chưa bao giờ xảy ra sự thật trong cuộc sống còn bộn bề khó khăn nhất trong thời điểm ấy, cây đàn là đồ vật quá xa xỉ đối với nồi cơm của gia đình lúc nào cũng thiếu…
Còn má tôi ư ? người phụ nữ thật sự mạnh mẽ luôn là chổ dựa vững chắc, là điểm tựa cho chồng con trong những lúc gia đình tưởng chừng như không thể qua khỏi những cú sốc. Tôi học được ở má sự hy sinh, sự nhẫn nhục, tôi học được ở má tình yêu thương vô giới hạn đối với các con mình và những người thân yêu quanh mình. Còn rất, rất nhiều câu chuyện như thế của gia đình tôi, đến bây giờ cả ba má và chị em tôi đều không thể nào quên. Chính những câu chuyện đời thường ấy đã tôi luyện, hun đúc và dạy dỗ chị em chúng tôi thành người, trong sâu thẩm tâm hồn chúng tôi rất biết ơn những ngày tháng ấy, để chúng tôi càng mạnh mẽ, vững vàng hơn trong cuộc sống.
 Bạn ơi, những hy sinh rất đỗi đời thường nhưng vô cùng lớn lao của bậc làm cha làm mẹ đã làm cho chúng ta phải trăn trở và phải cố gắng thật nhiều.Và đến hôm nay khi đã làm mẹ, tôi càng hiểu hơn, sâu hơn về tình người trong mỗi ông bố bà mẹ. Mọi cái rồi sẽ qua đi, người thân, bạn bè, con cái... đến lúc nào đó không thể ở bên cạnh bạn…chỉ còn lại cha mẹ, ở bất cứ nơi đâu, giờ phút nào cha mẹ cũng đều dõi theo bước chân của bạn trên bước đường đời, dù bạn đang còn nhỏ tuổi hay nay tóc bạn đã hoa râm…
Và bây giờ tôi càng hiểu hơn câu nói của người xưa “Nước mắt chảy xuôi ” đấy bạn ạ !
                                                                           Bảo Nghi

Ngẫm !



                                                                                                                                Sưu tầm

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Câu chuyện nhỏ của hai người bạn lớn

Dịp vừa qua vào thành phố thăm ông bà, sau mấy ngày hàn huyên, thăm hỏi, ăn uống họp mặt gia đình, tôi sắp xếp quay về nhà. Trước khi chuẩn bị hành lý, má tôi vẫn như ngày nào như khi tôi còn bé, căn dặn đủ thứ nhưng chỉ hơi khác là nhân vật được đặc biệt quan tâm không phải chỉ có tôi mà còn là hai nhóc nhỏ ở nhà. Ngoài những thứ bánh trái bà chuẩn bị (mặc dù tôi không nhận, vì thật ra nhà tôi không thiếu vả lại xách đi về rất phiền phức) bà còn cho tôi những giống cây trồng bà đã sưu tầm qua từng lần đi du lịch, đó là thành quả của bà và nhỏ em dâu mỗi lần đi nhổ trộm tại những resort mà gia đình nghỉ dưỡng.
                                                                                     Sưu tầm
Có ai đời dám bỏ ra tiền triệu để ở những nơi đầy đủ tiện nghi và sang trọng, vậy mà lén lút đi nhổ trộm những cây hoa trồng xung quanh nơi nghỉ, mà cây và hoa có đáng giá là bao; bởi vậy, mỗi khi mẹ chồng, nàng dâu sáng sớm dắt díu nhau đi nhổ trộm không chỉ rình rập sợ quản lý, lễ tân bắt gặp mà quan trọng là sợ cậu em trai nhà tôi; vì em tôi không đồng tình trước sở thích kỳ lạ của mẹ, của vợ và ngay cả của bà chị hai là tôi. Em đã từng nói với má tôi  rằng“ Má thích loại cây gì con chở má đi mua, chớ đừng làm như vậy kỳ lắm”. Em tôi có hiểu đâu cái cảm giác kỳ quặc mà những kẻ trộm như má con chúng tôi đã hành xử, một nhúm hoa mười giờ đủ màu; một vài gốc hoa dừa cạn; một cây cọ nhỏ xíu hay…miễn là cây, hoa nhỏ nhỏ, xinh xinh là đốn tim ba người phụ nữ nhà này; có nhiều khi tôi đã đánh liều thò tay vào vũng bùn trong hồ để lén nhổ gốc hoa súng kiểng để rồi thụp thò trốn anh bảo vệ khu resort như rình kẻ trộm. Nhớ lần cả gia đình nghỉ ở resort  SeaLink Phan Thiết, sáng năm giờ mọi người còn đang say ngủ trong phòng, tôi và má chuẩn bị bọc nilông từ đầu hôm để đựng cây. Có nhiều nhặn gì, chỉ toàn giống hoa mười giờ của Thái Lan đủ màu sắc, giữa khí hậu nắng nóng ở vùng biển, hoa mười giờ trãi dài như một tấm thảm khoe sắc, thật là một bức tranh tuyệt tác của thiên nhiên; vậy đó, chỉ là hoa mộc mạc, rẻ tiền mà giữa không gian biển xanh nắng vàng, giữa mênh mông đầy cát, gió lộng khu nghỉ dưỡng như là cõi thần tiên, yên bình làm cho mọi người quên đi những nhọc nhằn, vất vả và hoa, lá cỏ cây nó làm rung động biết bao con tim của mọi người, trong đó có tôi, má và nhỏ em dâu. Bây giờ nghĩ lại những giây phút đi nhổ trộm ấy, sao mà vui, hạnh phúc cực kỳ. Đến khi chất đồ lên xe để ra về, cánh phụ nữ chúng tôi phải gói ghém thật cẩn thận để cậu em trai không nhìn thấy những cây hoa nhổ trộm, nếu nhìn thấy coi như rằng phải bỏ lại, mặc cho má tôi có dùng tiếng nói đầy uy lực của một bà mẹ, em tôi vẫn kiên quyết bỏ lại với giọng nói hằn học một điệp khúc quen thuộc “về nhà con mua cho má tha hồ mà trồng, làm chi cái điều này…”
                                                                                   Sưu tầm
Em tôi đâu biết rằng, được tận hưởng cái cảm giác nhổ cây về chăm chút tưới bón khi cây sống được, rồi ra hoa nó quý biết dường nào, mà đâu phải cây nào cũng sống và ra hoa dễ dàng, mà mỗi loại cây là một kỷ niệm mà má tôi đã đi đến; hễ cây nào không sống nổi hoặc vô tình khô héo là má tôi tiếc vô cùng. Bởi vậy, đến thời điểm này trên sân thượng ba má trồng rất nhiều loại cây hoa trái; mặc dù mỗi lần phải leo tận lầu ba để tưới và chăm sóc nhưng ông bà không bao giờ than vãn.
Tối qua, con gái gọi điện về kể “Mẹ ơi, ngày hôm qua ông bà gây một trận kịch liệt, nữa đêm bà bật dậy và đánh thức ông cho bằng được để hỏi cái giỏ cây kiểng màu xanh lá của bà đâu mất rồi” Ông bật dậy trả lời trong cơn ngáy ngủ, ông không biết gì cả, bà đổ thừa do ông làm cây chết nên giấu biệt cái giỏ cây kiểng đó…và rồi hai người gây nhau đến sáng, rồi thì ông bà lôi từ chuyện ngày xửa ngày xưa ra để đổ lỗi cho nhau, cảm giác như hai bên bất phân thắng bại…con bé kể rất ư là hào hứng, tôi ngắt ngang hỏi “Tại sao con không can ông bà”, con bé cười ngất trong điện thoại “Làm sao can được hả mẹ, mẹ cứ tưởng tượng nếu như ông bà có hai cây gươm trong tay thì có thể hai người xông vào luôn đó..” kể đây để biết rằng má tôi quý cây cỏ như thế nào, mất một giỏ hoa nhỏ trong vô vàn các loại vậy mà bà vẫn nhớ, bà nắm được từng chi tiết, từ đặc điểm của cây, loại ưa nắng, loại trong bóng râm, loại tưới phun sương loại tưới phải ngập hết gốc…Nghe con bé kể tôi lật đật tắt máy và gọi liền về cho bà “ Má ơi, cái giỏ đó con thấy dễ thương nên con lấy đem về PR trồng rồi nè” má nghe xong mừng rồi cười hớn hở “vậy hả con, vậy mà má tưởng ba mầy làm chết nên giấu má, mầy không nói má một tiếng làm má đổ thừa cho ba mầy, thôi con lấy thì ổn rồi”  Vậy đó, tình yêu thiên nhiên, cây cỏ hoa lá tôi được thừa hưởng gien của hai vị tiền bối này. Sau đó, tôi cũng gọi liền về cho ba, đầu dây bên kia ba tôi còn giận với giọng nói lắp bắp run run “Vậy mà má con đổ thừa cho ba, ba dằn lòng dữ lắm…”
                                                                                  Sưu tầm
Thế đó, hai người lớn của tôi có những câu chuyện nho nhỏ thật là dễ thương nhưng đối với hai người nó còn là việc sống còn của những mầm cây yếu ớt, là niềm vui lúc tuổi già
Nhìn ra ngoài sân, giỏ cây kiểng tôi đem về với những chiếc lá nhỏ xinh xinh như ngón tay em bé, nó là niềm vui, là mầm sống, là những kỷ niệm mà hai người bạn lớn của tôi hàng ngày gởi vào trong đó
Gió vẫn thổi, trời vẫn trong xanh, cây vẫn ngập nắng vàng, niềm vui, mầm sống của con người chỉ cần như thế cũng là quá đủ đầy đối với những tâm hồn yêu thiên nhiên như ba má./.
                                                                           Bảo Nghi