“Đường trong muối” ai nghe câu nói ấy cũng đều cho ông là người không
bình thường, đã là muối thì mặn làm gì mà có chất ngọt như đường ở trong đó,
họa chăng là trong muối có lẫn đường. Nghe mọi người bàn tán, tranh cãi …ông
chẳng nói gì chỉ nhìn ra ngoài khuôn viên của công viên ngắm mấy con chim cảnh trong
lồng đang thi nhau hót ríu rít …
Sưu tầm
Ông thầm nghĩ, chỉ có ai đã vượt qua những cơ hàn, đau khổ cùng cực …thì mới thấm thía được ý nghĩa của câu nói
ấy “đường trong muối”. Thật vậy, muối mặn lắm, nói đến muối là người ta nghĩ
ngay đến một chất có vị mặn, không thể có chất nào thay thế được vị mặn ấy, thì
như vậy làm sao trong muối lại có vị ngọt của đường…?
Hãy thử bỏ một hạt muối vào miệng ngậm và nuốt từ từ để chất mặn thấm
đẫm vào khoan miệng, sau đó vị mặn ấy sẽ lan dần xuống cổ, ta lại thấy phảng
phất cái vị ngọt ngào của hạt muối biển, không biết có phải vì cảm giác chủ
quan của từng người hay không, nhưng riêng đối với ông, ông cảm nhận được sự
ngọt ngào trong vị mặn của hạt muối. Có quá nghịch lý không ?
Mỗi lần con trai chở cả nhà đi du lịch, đi ăn uống, ngồi trên chiếc xe
bốn bánh chạy lướt êm như ru trên những
cung đường mới, ông lại nhớ về những khoảng thời gian cơ cực của gia đình. Ngày
ấy con trai ông là một cậu bé ốm yếu, tự ti, rụt rè…bây giờ trước mặt ông là một
vị bác sĩ trung niên, vợ con đề huề và tay đang cầm vô lăng điều khiển chiếc ô
tô đời mới. Những ngày tháng buồn khổ đã qua, các con đã trưởng thành và đã ít
nhiều thành đạt trong xã hội nhưng lúc nào ông cũng đều nhớ những ngày tháng
gian nan vất vả ấy. Mỗi lúc đến một điểm du lịch nghỉ dưỡng, khi cửa xe vừa được
mở ra thì lúc nào cũng có người phục vụ của khách sạn đem hành lý và ân cần dìu
ông bà vào phòng; khi ăn buffet vào mỗi buổi sáng với đầy các món ăn Âu, Á, với
không gian của phòng ăn sang trọng, lịch sự, lúc nào bàn ăn cũng có
người phục vụ đứng kề bên và khi ăn xong họ đều ân cần hỏi thăm ông bà ngủ ngon
không, bửa ăn có vừa miệng không….đi đến đâu ông bà cũng được phục vụ ân cần
chu đáo. Thấy các cháu ngồi quanh mình đầy
vẻ tự tin, mạnh mẽ, tự đi lấy thức ăn, tự phục vụ cho mình, rồi cách chúng chững
chạc ngồi vào bàn ăn…mặc dù các cháu chỉ là những cô bé, cậu bé mới học cấp một
thậm chí mới học mẫu giáo nhưng đã thành thạo sử dụng dao, đĩa …sành sõi với cách
thức ăn uống; ứng xử, giao tiếp đầy vẻ tự tin, hiểu biết và lễ phép.. nhìn các
cháu ông thấy mãn nguyện và tự hào vô cùng
Nhìn những ly nước ép trái cây sóng sánh đủ màu sắc thật hấp dẫn mà các
cháu vừa tự đi lấy phần của mình để trên bàn ăn làm ông nhớ về một buổi trưa
ngày ấy, một buổi trưa xa xôi mà ông không bao giờ quên được…
Vừa bước xuống bến xe, bốn cha con lóng ngóng tay xách nách mang, nào
giỏ quần áo, túi xách, thùng giấy đựng vật dụng linh tinh …để chuẩn bị cho cuộc
hồi hương từ vùng quê lên thành phố. Trưa nắng gay gắt, bến xe ồn ào, đông
nghịt… một nhóm người chạy xe ôm bu vây quanh giành giật những chiếc giỏ xách
từ tay bốn cha con để níu kéo kêu gọi chở khách. Đám nhỏ hoảng hốt lo sợ bị mất
đồ, nhìn các con bèo nhèo, hốc hác, bơ phờ say xe sau một thời gian ngồi trên
chiếc xe đò bị phụ xe cho ngồi dưới sàn vì không còn chổ. Sau khi giành giật,
cương quyết với thái độ dứt khoát và có cả hằn học của ông, đám người đó mới tản
ra, bốn cha con lại lếch thếch mang vác đồ đạc tìm một quán nước nghỉ chân .
Rồi cũng tìm được một xe nước mía trong khuôn viên của bến xe đông đúc, mất vệ
sinh và đầy tiếng người chưởi mắng, la hét. Thế rồi bốn cha con cũng đặt được
đồ xuống và tìm một bàn trống trong bóng râm. Đứa chị chuẩn bị vào lớp chín, kế
thằng em vào lớp tám và con bé nhỏ nhất sẽ vào học lớp sáu; nhìn con ông thấy
mình cần phải cố gắng nỗ lực hơn nữa …vì lý do đó mới có một cuộc hành hương
trở về thành phố như thế này.

Sưu tầm
Đây là một quyết định mà vợ chồng ông đã bàn bạc cân nhắc thật nhiều,
một quyết định thật táo bạo, cũng giống như một quyết định cách đó mấy năm vợ
chồng ông từ người thành phố quay về vườn để sống. Vì thời điểm đó, các gia
đình ở thành phố sợ chủ trương của chính quyền đưa các gia đình có thân nhân
làm trong chế độ cũ đi sống tại những vùng kinh tế mới. Cái thời điểm ấy những
thông tin trái chiều làm cho những gia đình như ông rất hoang mang, lo sợ; vì
ông bà là người thành phố, là người làm việc văn phòng, chưa biết cách trồng
một cây lúa như thế nào… nhưng vì nghe theo lời bà con nên vợ chồng ông chủ
động về quê của họ hàng để khỏi phải về sống ở vùng đất mới mà nhà nước
đang khai khẩn.
Thời gian đầu về quê, được người bà con sang nhượng đất để sử dụng, trên
đó đã có những loại cây ra trái có thể thu hoạch được, nhưng sau vài năm bắt buộc ông bà phải tự trồng trọt, vì không có kinh nghiệm, vì không đủ sức khỏe nên ông bà phải thuê người làm. Và giai đoạn này, gia đình bắt đầu đối mặt với cuộc sống thật sự ở quê, ngày này qua ngày kia,
tháng này qua tháng kia, tiền của cũng hết và cảm giác sung sướng được hít thở
không khí miệt vườn trong lành nên thơ cũng không còn nữa, ông không còn những
ngày đi bắn chim sẻ, tát mương bắt cá, hái nấm mối mọc sau vườn, bà cũng hết thời có sẳn
gà, vịt nuôi thả rông ngoài vườn, cá nuôi dưới ao cứ việc ra bắt rồi làm thịt
ăn; các con thì không còn những mùa trái cây cứ việc đi học rồi ra vườn leo
trèo hái hoa bắt bướm… chỉ sau một thời gian sống tại đây ông bà mới thấm thía
cuộc sống lao động của người nông dân miệt vườn, với không gian trong trẻo, yên ả và lãng mạn của vùng quê thanh bình mà đằng sau đó là những giọt mồ
hôi ngay cả là máu của họ đã đổ xuống để có những thứ trong trẻo, xanh tươi,
trù phú mà mọi người thường thấy…thời điểm đó ông bà hoang mang cực độ và biết
rằng quyết định về nông thôn sống là một sai lầm thật lớn. Hàng đêm ông bà cứ
trăn trở nghĩ về tương lai của các con, hình ảnh đứa con gái lớn sẽ lấy chồng
sớm sinh con rồi tất bật với những ngày làm vườn gặt lúa, còn con trai mơ ước trở thành một bác sĩ giỏi thay vào đó là một anh thanh niên
cuốc đất trồng khoai, đêm tối thì đi cắm câu đặt lờ, bắt ếch đem ra chợ bán… nghĩ đến điều đó
ông bà không khỏi lo lắng cho tương lai của các con. Và một quyết định thật
mạnh mẽ, dứt khoát ngay sau đó, bà lên thành phố xin việc và làm trước, khi đã ổn định, ông sẽ
đưa các con lên sau. Và cái ngày đưa các con lên thành phố chính là
ngày này, thành phố đón cha con ông bằng một buổi trưa gay gắt, oi nồng đầy
tiếng chưởi rủa, giành giật hành khách của bến xe.
Khi người bán bưng ra bốn ly nước mía ông và con gái lớn bất chợt nhìn
nhau đầy vẻ bối rối, nhất là đứa con gái, nó là chị cả nên lúc nào cũng lo toan
việc gia đình dù là nhỏ tuổi, nó thay mẹ lo cho các em khi mẹ lên thành phố làm
việc. Nó quắc mắt nhìn hai đưa em và xẳng giọng “Ai kêu đến bốn ly nước mía ?”
Thằng em trai bản tính ít nói, rụt rè thấy cha và chị tỏ rõ thái độ không đồng
tình càng làm nó hoảng sợ, nó trả lời lí nhí trong miệng, còn con bé út thì
thản nhiên vô tư vừa đưa ống hút vào miệng vừa hút một thứ nước ngọt mà hiếm
khi ở quê nó được thỏa mãn một ly ứ hự như hôm nay. Những ngày ở quê cuộc sống rất
khó khăn nên việc mua bánh kẹo hay các loại nước giải khát là một điều xa xỉ,
nếu có chăng thì mua một ít hay một ly rồi ba chị em cùng chia nhau, chứ không
như hôm nay trên bàn nước là bốn ly nước mía cở đại, nước vàng sóng sánh nổi
bọt như bia trắng xóa trên miệng ly lẫn với những viên đá trong suốt giữa buổi
trưa nắng thế này, là cả một sự sung sướng, thòm thèm đối với mọi người, nhất lả bọn trẻ con như chúng.
Con chị thì hiểu tình cảnh gia đình nên càng trách móc em, còn thằng em thì
mặc buồn xo cầm ly nước mía uống với thái độ e dè của người có lỗi, chỉ có con
bé nhỏ là vô tư thoải mái, cặp mắt nó to tròn trong veo thể hiện sự thích
thú, sung sướng. Còn ông, ông cảm thấy hối hận khi lỡ buột miệng la các con khi
người bán bưng ra bốn lý nước mía. Do lúc vào quán vì kiểm đếm lại đồ đạc nên
khi chủ quán ra hỏi uống gì và mấy ly nên thằng bé và con nhỏ út buộc miệng trong
sự phấn khích vì được uống nước mía “
bốn ly, bốn ly nhe cô”. Thế đó, nhìn con uống trong sự sợ sệt làm tâm trạng bực
mình của ông chuyển sang tâm trạng hối hận. Cuộc sống khó khăn quá đã làm con
người ta trở nên dữ dằn đi rất nhiều. Sau những giây phút nặng nề ấy, ông hạ
giọng “Thôi, mấy con uống nhanh đi rồi mình về” từ lúc đó, ông thấy các con
uống trong tâm trạng không còn háo hức như lúc mới vừa vào quán. Nhìn ra ngoài
đường phố lòng ông ngỗn ngang trăm bề…Và từ đây gia đình ông bắt đầu đối mặt với những ngày tháng khó khăn nhất trong cuộc đời, trong một hướng đi mới của gia đình...

Sưu tầm
Và hôm nay nhìn những đứa cháu nội ngoại của ông, ông lại nhớ và thương
hình ảnh của ba đứa con của ông ngày xưa. Cuộc sống đã cho ông và vợ đi qua
những bước thăng trầm cùng cực, hôm nay đây nhìn những ly nước ép trái cây của
các cháu trên một bàn ăn thịnh soạn tại một khách sạn bậc nhất của khu du lịch
nghỉ dưỡng cao cấp ông lại nhớ về một thời đã qua. Nhưng tự trong sâu thẩm ông
vẫn cám ơn những ngày tháng ấy đã rèn luyện cho các con ông ý chí nghị lực để vươn
lên, để các con ông từ những đứa trẻ rụt rè, mặc cảm ..đã trở thành những người
thành đạt trong xã hội. Nếu như ngày xưa mỗi buổi tối dưới ánh đèn dầu leo lét,
ngoài vườn đầy tiếng cóc nhái ễnh ương…vợ ông từng nói đùa với ông “ Khi nào con
mình mới được trở thành bác sỹ, mình có nhà lẩu, có xe hơi.. ?” Ông nhìn bà cười rồi nói "Thôi ngủ đi, nghĩ viển vông...". Ước mơ ngày ấy quá đổi hão huyền, quá
vọng tưởng nhưng... bây giờ các con ông đã có, mặc dù so với mọi người gia đình
ông cũng chưa bang nhiều người nhưng các con ông, dâu rể ông đã phần nào làm được, đó là một vị bác sỹ, một vị
tiến sĩ trong một trường Đại học lớn … đã từng đi nhiều nước công tác, làm việc và học tập...
…đó là lý do mà ông mạnh mẽ khẳng định với mọi người rằng "trong muối có vị ngọt của đường”. Cuộc sống đã cho ông thấy rõ điều đó, chính ông, vợ ông và các con ông
đã từng trãi qua trong sóng gió cuộc đời nên càng hiểu rõ hơn vị ngọt của đường trong từng vị mặn
của muối. Trong đau khổ, trong cùng cực con người càng có ý chí thép, đó chính là bài
học xương máu cho mọi người.
“Đường trong muối ” có phải thế không hở mọi người ???
Bảo Nghi