Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Ngày mới !

         Buổi sáng nay trời thật trong trẻo, đã qua những ngày mưa gió vần vũ, âm ỉ và rồi có nguy cơ lũ lụt. Trời đã có gió về, nhỏ nhóc cứ gọi điện là hỏi " gió có về chưa mẹ, trời có lạnh không ? ". Đi học xa nhà có nhớ gì vẫn không quên mùa gió chốn này, nó hiu hắt, lạnh lùng làm chạnh lòng với những ai xa nó. 
         Còn vài ngày nữa là sắp kết thúc một năm với nhiều biến cố, thăng trầm, được có, mất có nhưng chung quy "đội ngũ" vẫn còn tràn đầy sinh lực và nhiệt huyết. Mong rằng các nhóc vẫn vậy, vẫn trong trẻo nhưng dày thêm trãi nghiệm, vẫn nhiệt huyết nhưng càng chững chạc hơn trong cuộc sống. 
         Đứng từ xa, ta như người đội trưởng tuýt còi khi các chiến binh quá lăn xả, quá bất chấp, cứ vậy tiến lên thêm nha các đồng đội nhỏ của ta !. 
          Cùng giang rộng vòng tay để đón chờ năm mới ! Yêu thương thật nhiều !
                                                                                                                   Bảo Nghi

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

BEN VANG

                                                                         Bến vắng,
        Ngày nào cũng vậy sau phiên chợ trở về, khi đò cặp bến, đợi cho mọi người lên hết chị mới lặng lẽ quang gánh lên bờ, lên đến bờ rồi nhưng chị vẫn còn chừng chừ nhìn qua bờ bên kia để chờ đợi một điều kỳ diệu. Nắng đã lên cao, bến đò vắng ngắt, làn gió từ ngoài sông hây hầy thổi vào, làm cho chị nhớ những ngày tháng anh công tác tại bến đò này. Chị vẫn tin có phép màu, niềm tin ấy giúp chị vượt cạn một mình, vượt qua định kiến dư luận để sống vậy nuôi con. Người đàn ông ấy đã cho chị niềm tin, rằng cuộc đời này còn đẹp lắm và trong mỗi cái xấu xa nhất của cuộc đời nó vẫn có cái lý lẽ của nó, không phải để biện minh cho điều xấu ấy nhưng bên trong cái xấu vẫn còn cái mà người ta chưa hiểu hết tận tâm can của nó. Như chị đây, người con gái khi được sinh ra bất hạnh nhất là không có nhan sắc, bạn bè trang lứa lần lượt lấy chồng, sinh con, còn chị cứ lủi thủi đi đi về về một mình, trai làng cũng không ai dám ngỏ, chỉ có những người đàn ông có vợ mà còn đèo bồng thì cứ ve vãng, cứ nghĩ chị như thế sẽ dễ dàng lắm nhưng họ đâu ngờ chỉ vài câu bỡn cợt chị thẳng tay cho thằng ông ấy một cái tát trời giáng, thế là chị lại mang tiếng là xấu như ma mà còn dữ như quỷ.
          Thế rồi ngày anh về công tác tại cái làng của chị, bao cô gái quấn quýt bên anh vì anh là người đàn ông điển trai nhất trong đoàn công tác ấy, vẻ nam tính rắn rõi đàn ông như nguồn điện thu hút cánh phụ nữ của làng.Những gia đình có con gái, cha mẹ lại càng tạo điều kiện cho đoàn công tác ghé nhà mình để có dịp giới thiệu con gái mình qua những buổi đám đình, cúng giỗ hay những buổi trăng lên cả làng tụ họp để nghe dạ cổ hoài lang...còn anh thì vẫn kính cẩn trên dưới với mọi người, đối với phụ nữ anh cư xử đúng mực, anh càng chừng mực, càng kín kẻ thì lại càng thu hút mọi người; còn riêng chị, chị tự hiểu thân phận mình, chị vẫn lặng lẽ như ngày nào đi đi về về sau những buổi đến chợ. Nhiều khi chị vô tình đi ngang qua anh, chị cũng không còn mặc cảm, không còn bẽn lẽn mắc cỡ như cô gái mới lớn, vì chị biết rằng mình không phải đối tượng của anh, còn riêng anh, người đàn ông này như một thỏi nam châm thu hút phụ nữ trong làng thời điểm ấy. 
         Chỉ có một lần duy nhất và lần duy nhất ấy chị mới thấm thía và hiểu tường tận cặn kẻ câu nói của ông bà "đôi mắt là cửa sổ tâm hồn". Hôm ấy đoàn cán bộ của anh dự một cuộc họp với dân trong xã để nắm tình hình trồng lúa trong thời gian qua để có kế hoạch sắp đến về sự lựa chọn những thửa ruộng để làm mẫu trồng một loại giống lúa mà những kỹ sư nông nghiệp như anh vừa lai tạo giống mới, ngày hôm đó đông và vui lắm, vì đây là cuộc họp rất quan trọng vả lại đoàn làm việc toàn là những anh kỹ sư của thành phố về, hôm ấy chị cũng đi nhưng đi với tâm thế để biết hơn về thông tin sắp tới cho làng chứ không ngoài mục đích gì khác. Mọi người chen lấn, ồn ào tìm ghế để ngồi, riêng chị vẫn cái nét lặng lẽ, mặc cảm ngồi bên dưới, trong lúc ấy vô tình có một cụ bà không có chỗ ngồi lại ngồi kề bên chị, chị lại đứng lên chen lấn tìm một chỗ ngồi phía trên thoáng mát dìu cụ lên, rồi chị lại lặng lẽ chen xuống tìm một góc khuất cho mình. Chuyện chỉ có vậy nhưng không qua khỏi mắt anh, vì lúc đó anh đến trễ anh ngồi sau chị, bao nhiêu sự việc diễn ra xung quanh anh đều biết hết, có những cô gái chăm chút quần áo, nhan sắc cố gắng vượt lên phía trước để được ngồi gần những anh cán bộ chứ thật ra cũng không tập trung nghe họ nói gì; còn chị với chiếc nón lá lụp xụp vẫn không che dấu cử chỉ của mình, chị đang thoăn thoắt viết thật nhanh những điều mà các anh kỹ sư hướng dẫn cách thức gieo hạt cho đến khi lúa nẩy mầm, cho đến cách bón phân...chị ngồi nghe và viết rất chăm chú, hình như chị cũng không biết rằng có một người đang lặng lẽ theo dõi chị.
          Với gương mặt mà tạo hóa quá cay nghiệt trao cho kia lại có một tâm hồn, một cách sống, một suy nghĩ như ánh sao đêm giữa bầu trời đen tối. Và lúc ấy anh nhìn chị anh thấy chị thật đẹp, cái đẹp mà sau này khi hai người bên nhau anh cũng từng nói với chị, anh không hiểu nhưng anh thấy lúc đó chị rất đẹp rất phụ nữ và cũng rất mạnh mẽ và anh yêu chị từ những cái đó.
            Tình yêu thật đẹp, nó làm nở hoa kết trái, người trong làng ngày ấy xôn xao, họ không hiểu được một người đàn ông như anh lại chọn một cô vợ như thế. Thời khắc đẹp không kéo dài bao lâu, trong một đêm mưa bão anh cùng dân làng vượt lũ, không may anh vĩnh viễn rời xa chị, cho đến tận bây giờ chị vẫn không tin anh đã đi xa, mỗi khi qua bến đò này chị đều hướng mắt quay lại, chị vẫn nghĩ anh đang đứng đó vẫy tay cho chị, gương mắt bừng sáng với nụ cười đôn hậu.
            Ai đã qua cuộc sống gia đình rồi, thì cũng đều bảo, không có người đàn ông nào chung tình khi có một người vợ như chị, nhưng tận trong sâu thẩm chị vẫn tin, anh mãi không phải là người như thế !
                             
                                                                                                                          Bảo Nghi

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Mẹ hỏi con gái,


Năm lớp sáu, mẹ hỏi nó “ Nếu ngôi nhà của con đang ở cột đã mục, mái đã dột con phải làm sao ?”. Nó vô tư trả lời với mẹ không chút suy nghĩ: “Con sẽ kiếm nhà khác để ở”

Năm lớp tám, mẹ hỏi nó “Nếu ngôi nhà của con đang ở cột đã mục, mái đã dột con phải làm sao ?”. Nó lưỡng lự trả lời với mẹ “Con sẽ xem xét và sửa chữa lại”

Năm lớp mười, mẹ hỏi nó “Nếu ngôi nhà của con đang ở cột đã mục, mái đã dột con phải làm sao ?”. Nó trả lời với mẹ “Nếu cột mục con sẽ tìm cái mới thay thế, mái đã dột con sẽ leo lên xem hỏng thế nào để sửa lại”

Năm lớp mười hai, mẹ hỏi nó “Nếu ngôi nhà của con đang ở cột đã mục, mái đã dột con phải làm sao ?”. Nó ngồi trầm tư và nói “Ngôi nhà là nơi để ở và là nơi để quay về, bao kỷ niệm ở đây, sao mẹ hỏi khó thế” nói là nói vậy nhưng nó vẫn trả lời mẹ “Việc để ngôi nhà của mình đến nỗi mục và dột là quá lắm, giả sử như thế con sẽ cố gắng khắc phục những chổ hỏng nhưng sẽ kịp thời phát hiện những chổ có thể sẽ hỏng tiếp để nâng cấp luôn”

Năm thứ hai Đại học mẹ hỏi nó “Nếu ngôi nhà của con đang ở cột đã mục, mái đã dột con phải làm sao ?”. Nó trả lời với mẹ không chút băn khoăn “Trong cuộc sống mình phải đi về phía trước, không cứ mãi dặm chân một chổ, con làm việc và tích lũy để có cơ hội đổi sang một ngôi nhà mới khang trang hơn, tươm tất hơn”

Năm thứ tư Đại học mẹ hỏi nó “Nếu ngôi nhà của con đang ở cột đã mục, mái đã dột con phải làm sao ?”. Nó mạnh mẽ trả lời với mẹ trong ánh mắt lấp lánh đầy hoài bảo tuổi trẻ “Con tin mình sẽ làm được, nếu cố gắng, cố gắng hết sức con sẽ tìm cho mình một ngôi nhà mới tốt hơn có thể, mẹ cứ tin ở con !”

Buổi chiều muộn, nhìn ra phía chân trời, từng đợt sóng biển ầm ào vỗ vào bờ, nhìn vào mắt con gái mẹ hoan hỉ với sự tự tin của con, mặc dù con gái bây giờ chỉ là một cô sinh viên năm cuối Đại học đang còn xin tiền mẹ !!!./.

                                                                                                                      Bảo Nghi

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Không đề

  
          Có những lúc tôi cần ..., chạy ào ra buông bỏ mọi ưu phiền, bạn giang tay nâng tôi nhè nhẹ, vỗ vào tôi như thể tình đầu,
          Có những lúc bình minh thức dậy, sóng lăn tăn cát sột soạt dưới chân mình, bạn xanh biếc màu thiên thanh bất diệt, ôm vào lòng, bạn vẫn mãi trong tôi,
          Có những lúc mây đen vần vũ, bạn thét gào từng ngọn sóng ầm vang, bạn là ai …cứ ngỡ mãi không quen, tôi đau đáu nỗi niềm riêng với bạn,
          Có những lúc trời yên gió lặng, cứ ngỡ rằng, tôi-bạn mãi không xa, điệp khúc biển cứ rì rào như thể, sóng vỗ bờ, chỉ có bờ hiểu biển mà thôi,
          Tôi là gió ngàn năm bên biển, cùng biển mỗi chiều đưa cánh hải âu, 
          Có ai đó từng ngân nga nỗi nhớ "Nếu phải cách xa ... biển bạc đầu thương nhớ.." lời ví von ngân vào vách đá  "Chỉ có thuyền mới hiểu, biển mênh mông nhường nào..." Tôi và biển ở hai đầu nỗi nhớ ! Khắc khoải, ngóng trông...biển hát mỗi chiều,
          Xin là gió ngàn năm bên biển !
          (Bài có sử dụng một số câu thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh)
                  
                                                                                                                 Bảo Nghi
                                                                                                    

Mặt trời và mặt trăng

Mẹ thường ví nó và thằng em trai mũm mĩm dễ thương là mặt trời và mặt trăng của mẹ. Mặt trời chói lòa, rực rỡ với sức công phá có thể thiêu cháy cả vạn vật; còn mặt trăng với ánh sáng dìu dịu đem đến cảm giác yên bình và thơ mộng. Cả hai hành tinh  trái ngược nhau hoàn toàn nhưng không thể thiếu được trong cuộc sống của quả địa cầu. Mẹ là quả địa cầu, cuộc sống của quả địa cầu có tồn tại, có như thế nào đều do ảnh hưởng cực kỳ lớn của mặt trăng và mặt trời.
                                                                                Sưu tầm
Mà mẹ ví cũng đúng thật nhưng nó cũng nói với mẹ rằng, mặt trời của con ấm áp đâu đến nỗi thiêu rụi hết mọi thứ hả mẹ ?. Nó kể cho mẹ nghe bạn bè nó cứ nghĩ nó tiểu thư, bánh bèo lắm... nhưng chỉ có mẹ, bạn thân hay người thường xuyên tiếp xúc với nó mới hiểu hơn về nó. Bên cạnh vẻ mỏng manh yếu ớt và nhạy cảm, thì tinh thần của nó rất mạnh mẽ nhiều khi biểu hiện sự cực đoan đằng khác, vì thế, mẹ lúc nào cũng phải nhắc nhở, uốn nắn cho nó.
Nó và thằng em trai cách nhau chín tuổi, với uy lực của một bà chị, nó nhận định được tình hình chiến sự của vai vế đã bị thay đổi trong gia đình, từ một đứa con, đứa cháu đầu tiên trong họ ngoại nó như một nàng công chúa được bao người quan tâm, cưng chìu; nói ai đâu xa, cậu ba nó là một người cực kỳ ít nói, nghiêm nghị, không thích bộc lộ tình cảm của mình ra ngoài nhưng khi có nó cậu khác đi trông thấy. Mỗi lúc gia đình nó có dịp vào thành phố, khi gp nó là cậu ẳm bồng mua đồ chơi và nhất là những lần đi chơi với người yêu cậu (là mợ ba sau này của nó) đều có chở nó đi cùng; còn ông bà ngoại nó thì khỏi nói, hàng ngày ông bà thay nhau chăm nó cực kỳ chu đáo, bởi vậy khi đặt tên cũng hàm ý nó bảo vật quý giá của gia đình, mặc dù tên đó thường được đặt cho con trai…
Và từ khi mặt trăng xuất hiện, mặt trời bị rớt giá thảm hại, nó thường khôi hài “con giống như chôm chôm Long Khánh rớt giá còn hai ngàn một ký đó mẹ !”. Mặc dù nói thế nhưng mẹ nó hiểu, nó ngày càng thương em nhiều hơn, mẹ nói trước đây khi sinh em, nó cà nanh và ganh tị với em nhiều lắm. Như chuyện mẹ bảo nó đưa võng cho em ngủ, nhưng lâu lâu mẹ lại nghe tiếng thằng bé ré lên khóc rất lớn, đó là những lần nó cấu cho thằng em một cái rõ đau; hay mỗi lần mẹ bắt trông em, lúc em chưa biết đi và ngồi chưa vững nhưng nó bắt em ngồi trên giường, xung quanh em, nó chất đầy gối để em đừng ngã  và bắt mắt em phải hướng lên cây thước mà nó đang gõ trên tường, đó là lúc nó làm cô giáo. Mẹ kể, khi thấy cảnh ấy trông hai chị em thật dễ thương nhưng thật lòng mẹ cũng rất lo, vì em chưa ngồi vững mà nó bắt em ngồi, vả lại thằng bé bị bắt phải đọc theo tiếng gõ thước của chị trong khi em chưa biết nói. Mẹ còn kể nhiều khi giặt tấm drap trãi giường mẹ thấy dòng chữ viết bằng bút nguyên tử của nó “Buồn ghê…vì sao mẹ lại thương em nhiều hơn mình..” (Chịu nỗi không, tâm sự buồn sẳn trớn nằm trên giường cầm bút viết bậy trên drap). Sau này nó hỏi mẹ, lúc đọc câu viết ấy mẹ thấy sao, mẹ trả lời không do dự “Muốn đè xuống đánh cho một trận” viết đâu không viết nhè viết bằng bút bi mẹ không giặt ra. Nói vui thế nhưng mẹ cũng thừa nhận với nó, mẹ có lỗi là chưa xử sự đúng mực khi nó có em nhỏ, mặc dù tình thương yêu như nhau, lo lắng như nhau nhưng để thể hiện sự quan tâm lúc ấy phải hết sức tinh tế, nhất là nó là đứa con, đứa cháu đang rất được mọi người “sủng ái”…mà ngày đó ba mẹ nó chưa đủ kinh nghiệm nhiều để bày tỏ tình cảm, thái độ cho nó hiểu, vì lúc đó em còn nhỏ nên ai cũng quấn quýt bên em. Nói thì nói vậy thôi, nhưng nó yêu em nhiều lắm, gọi điện về cho mẹ lúc nào câu đầu tiên cũng là “Milo sao rồi hả mẹ…”. Rồi thì mẹ kể về mặt trăng của mẹ với niềm tự hào cao độ đến nỗi nó hờn mát “ Cũng là con nhưng sao có đứa như trứng gà, trừng vịt vậy trời…?” nhưng kèm thêm đó là giọng cười hào sảng của một đấng “nam nhi đại trượng phu” của nó.
                                                                                    Sưu tầm
Cũng vì có em, mẹ càng hiểu tính tình của nó nhiều hơn, nó là bà chị thương em với tình cảm hết sức chân thành nhưng cũng hết sức nghiêm khắc, mà cái nghiêm khắc của nó làm cho mẹ phải lo, vì mẹ sợ nó làm em đau. Mỗi lần nó ở nhà giữ em thì thế nào về lúc nào nó cũng bị ba mẹ mắng cho một trận. Có hôm đi về mẹ thấy nó rửa chén xong nhưng lại bắt em đi úp chén vào rổ, mà thằng bé tuổi mới đi mẫu giáo, bàn tay chỉ cầm được một cái chén, đằng này em phải đi úp hết một thau chén nó vừa rửa xong, thằng bé mỗi lần đi từ nơi rửa đến nơi úp chén chỉ cầm được một cái, ba mẹ thấy em đi tới đi lui mà muốn chóng mặt, thế là mẹ la nó, nó hờn mẹ vì sao không cho nó dạy em, để tập em làm việc…hay lúc không có ba mẹ ở nhà em nó đi ị, nó không dám rửa cho em, chỉ lấy vòi nước xịt vào thằng bé và bắt thằng bé lấy tay cúi người xuống tự rửa…Bởi vậy mẹ nói, tính nó nhiều khi không mềm mỏng, làm gì là làm tới nơi chứ không hiểu sự thể thế nào… nhưng bây giờ cuộc sống đã dạy nó nhiều hơn rồi.
Nhớ những lần sinh nhật của mặt trăng, quà của ông bà, cậu dì gởi ra, nó là người có đặc quyền mở quà trước (cái này nó tự cho mà ba mẹ cũng làm ngơ) và tự lựa chọn món quà mà mình thích, mặc dù đó là sinh nhật của em; mà thằng em thì hiền lắm, ngồi kề bên cứ thỏ thẻ “Chị B thích cái gì thì lấy đi, còn lại đưa cho em”, mẹ kể, mẹ thấy cảnh ấy thật bất công, con nhỏ chị thật quá đáng; ngay cả tiền lì xì, thằng em có bao nhiêu cũng đều đưa chị giữ, chỉ có Tết năm nay, cái năm mặt trăng học lớp chín, sau thời gian chịu sự kìm kẹp của bà chị, ông nhỏ phán một câu xanh dờn “Năm nay tiền lì xì để em giữ nhe”.Thật ra, mặt trời, mặt trăng có dành giữ tiền đi nữa nhưng sau Tết cũng đều tự nguyện đưa cho mẹ mở sổ riêng cho chị em để dành, nhưng hai vị này lúc nào cũng đều thích thể hiện quyền sở hữu thuộc về mình.
                                                                                  Sưu tầm
Những lần nghỉ hè hay lễ tết về nhà, nó đều trổ tài nấu nướng, tội cho thằng em nếu lỡ thức ăn nấu không ngon cũng phải ráng khen, vì biết nếu có ý kiến ý cò coi như bị bà chị giảng cho một bài học đạo đức, thế nào là cực khổ của một người đầu bếp…và bắt buộc phải ráng ăn bằng hết, còn nếu không tuân thủ thì sẽ không có cơ hội được nấu cho ăn những lần kế tiếp…những chuyện như thế mới biết mặt trời cực đoan đến mức nào.
Nói thì nói vậy thôi ch mặt trời không phải chỉ có sự gàn và cố chấp như thế, nó là đứa tý thức được mình đang đâu, làm gì, trách nhiệm và hết mực chia sẻ buồn vui với bà và mẹ. Lúc nào mnó cũng đều nói phải chi hai chị em được gần bên nhau thì mđỡ biết bao, khi có nó ở nhà em nó rất nghiêm túc trong gihọc, nghỉ ngơi và làm việc nhà, vì mẹ lúc nào cũng mềm lòng trước đề nghị xin xỏ của cậu con trai. Mỗi lần mẹ gởi tiền nó không dám dùng cđể dành rồi khoe lại với mẹ, cđến sinh nhật mọi người trong nhà là lại lấy ra mua quà, mà lại mua thđắt tiền nữa ch. Thời gian học ở thành phố nó có hai lần gọi điện về cho mẹ trong một tâm trạng hết sức tuyệt vọng, nó kể cho mẹ nghe về hai người bạn gái mà trước đây nó cũng không có nhiều tình cảm nhưng khi biết biến cố xảy ra ở gia đình bạn, làm nó thương bạn và cảm thấy hối hận khi chưa hiểu về bạn mình nhiều hơn. Bạn gái thứ nhất chỉ có cha lo lắng cho bạn, bạn thiếu tình cảm của mẹ, ngày bạn khóc với nó, nó về kể cho bà nghe, bà nghe xong gọi điện cho mẹ nó bảo "Tội cho những đứa trẻ, người đã lớn làm tổn thương chúng", bạn gái thứ hai phải nghỉ học vì cha đột ngột qua đời, mẹ bạn không thể đóng tiền cho bạn tiếp tục việc học…Hai câu chuyện trên làm nó mất niềm tin trong cuộc sống trong một thời gian khá dài, làm mẹ nó phải giải thích, phải động viên cho nó, để nó hiểu rằng trên đời này không có gì là bất biến, mọi thứ điều có thể xảy ra nhưng quan trọng mỗi người tiếp nhận nó bằng cách nào. Và điều quan trọng nó đang sống cùng ông bà, cậu, dì…những người đã có gia đình nên nó càng nghe nhiều, hiểu hơn về những va chạm nảy sinh trong cuộc sống.
Thế đấy, mặt trời, mặt trăng vẫn là những câu chuyện dài của quả địa cầu kể hoài không hết…
Tuổi đời sẽ nhiều, trãi nghiệm sẽ sâu… nhưng mãi mặt trời, mặt trăng vẫn là hành tinh độc tôn của quả địa cầu./.
                                                                                        Bảo Nghi

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Nước mắt chảy xuôi

Bạn đã hỏi tôi “Niềm tự hào của tôi là gì ? “
Không khó để trả lời, không đắn đo để suy nghĩ, câu trả lời đã có tự khi tôi đã biết nhận thức được cuộc sống và càng nhận thức sâu sắc hơn từ khi tôi đã trở thành bậc làm cha làm mẹ.
Mỗi người đều thần tượng và tự hào trước một hình mẫu của riêng mình, đối với mỗi người xung quanh có thể cha mẹ tôi vẫn chưa hoàn hảo, chưa thật đẹp nhưng đối với chị em chúng tôi hình mẫu cao đẹp và là niềm tự hào thiêng liêng nhất chính là ba mẹ của chúng tôi.
Cha mẹ đều có một mẫu số chung duy nhất: hy sinh và hy sinh cả cuộc đời mình cho những đứa con rất mực thương yêu của mình. Có ai đó đã từng nói rằng, khi bạn đang ở trong giờ phút thập tử nhất sinh nhất thì người sẳn sàng hy sinh đến tính mạng của mình để cứu bạn, đó chỉ có cha mẹ của bạn. Câu nói ấy ngày càng được khẳng định hơn khi tôi đã làm mẹ. Khi có con tôi càng hiểu hơn về cha mẹ mình, khi có con tôi càng thấm thía nỗi đau của cha mẹ.
Tôi vẫn nhớ hoài câu chuyện nhỏ cách đây đã gần bốn mươi mấy năm, khi ấy tôi mới học lớp hai, cái tuổi thường phải thay răng sữa, trước khi đi làm ba lấy tay sờ thử vào chiếc răng sắp sửa phải nhổ của tôi dặn dò “ở nhà con thường xuyên lung lay răng cho thật mềm để khi ba về ba nhổ cho đỡ đau, nếu không thường lung lay, răng sẽ cứng lại, nếu nhổ không kịp răng khác sẽ mọc lên rất xấu”. Vì còn nhỏ tôi cũng quên luôn lời dặn của ba, còn má tôi thì tất bật với công việc nhà nên cũng không quan tâm đến, để khi mấy ngày ba về, chưa để ba vào đến nhà tôi đã chạy ào về phía ba khóc nức nở “ Ba ơi, răng con không lung lay được nữa, nó đã mọc thêm một cái răng mới rồi” không kịp thay bộ đồ đang mặc ba đã lật đật kéo tôi ngồi vào ghế và nhẹ nhàng lung lay chiếc răng của tôi cho đến khi ba nhổ nó ra khi nào tôi cũng chẳng hay biết. Và cũng thời gian đó tôi chạy nhảy bị té gãy tay phải bó bột, bác sĩ khuyến cáo khi cắt băng bột cần phải tập luyện tay thường xuyên nếu không cánh tay sẽ trở thành cáng vá, có nghĩa là cánh tay bị lệch đi về phía sau và cũng chính ba là người trực tiếp tập luyện cho con gáí. Nhớ những buổi trưa oi nồng của mùa hè cả nhà ai cũng chìm vào giấc ngủ, chỉ có ba và tôi, ba ngồi đó nhẹ nhàng nhắc nhở con gái phải cố gắng kiên trì tập luyện khi cánh tay đã được bác sĩ cắt băng bột, với thân hình nhỏ bé của con nhỏ mới học lớp hai, ba bắt tôi phải cầm cái chai nước biển to đùng đi tới đi lui trong nhà để tập luyện vì sợ cánh tay của con gái lớn lên có tật.
Nhớ những tháng ngày sau năm 1975, gia đình cực kỳ khó khăn trong sự khó khăn chung của đất nước, sau một thời gian đi học tập về không có việc làm ba phải đạp xe chở khách hàng ngày để có tiền giải quyết cho mấy miệng ăn của gia đình. Trong thời điểm ấy, tuy cực khổ nhưng ba vẫn tằn tiện mua bằng được một cây đàn guitar cho thằng em trai từ tiền dành dụm của những cuốc đạp xe. Ba đem cây đàn về trong một buổi chiều sập tối, cả nhà rất vui nhưng người sung sướng nhất là cậu em trai của tôi, vì cây đàn là món quà mà em hằng ao ước. Mặc cho con đường dài hơn chục cây số lên nhà người cô phải qua những đoạn đường đá lổm chổm, vượt qua những khu vườn vắng vẻ của buổi chiều muộn mà nếu như bình thường thì tôi không bao giờ dám đi một mình nhưng tại thời điểm ấy tôi dã bỏ dép chạy thục mạng lên nhà bà cô để kêu em về báo một tin vui đọng trời. Một cái tin như chưa bao giờ xảy ra sự thật trong cuộc sống còn bộn bề khó khăn nhất trong thời điểm ấy, cây đàn là đồ vật quá xa xỉ đối với nồi cơm của gia đình lúc nào cũng thiếu…
Còn má tôi ư ? người phụ nữ thật sự mạnh mẽ luôn là chổ dựa vững chắc, là điểm tựa cho chồng con trong những lúc gia đình tưởng chừng như không thể qua khỏi những cú sốc. Tôi học được ở má sự hy sinh, sự nhẫn nhục, tôi học được ở má tình yêu thương vô giới hạn đối với các con mình và những người thân yêu quanh mình. Còn rất, rất nhiều câu chuyện như thế của gia đình tôi, đến bây giờ cả ba má và chị em tôi đều không thể nào quên. Chính những câu chuyện đời thường ấy đã tôi luyện, hun đúc và dạy dỗ chị em chúng tôi thành người, trong sâu thẩm tâm hồn chúng tôi rất biết ơn những ngày tháng ấy, để chúng tôi càng mạnh mẽ, vững vàng hơn trong cuộc sống.
 Bạn ơi, những hy sinh rất đỗi đời thường nhưng vô cùng lớn lao của bậc làm cha làm mẹ đã làm cho chúng ta phải trăn trở và phải cố gắng thật nhiều.Và đến hôm nay khi đã làm mẹ, tôi càng hiểu hơn, sâu hơn về tình người trong mỗi ông bố bà mẹ. Mọi cái rồi sẽ qua đi, người thân, bạn bè, con cái... đến lúc nào đó không thể ở bên cạnh bạn…chỉ còn lại cha mẹ, ở bất cứ nơi đâu, giờ phút nào cha mẹ cũng đều dõi theo bước chân của bạn trên bước đường đời, dù bạn đang còn nhỏ tuổi hay nay tóc bạn đã hoa râm…
Và bây giờ tôi càng hiểu hơn câu nói của người xưa “Nước mắt chảy xuôi ” đấy bạn ạ !
                                                                           Bảo Nghi

Ngẫm !



                                                                                                                                Sưu tầm

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Câu chuyện nhỏ của hai người bạn lớn

Dịp vừa qua vào thành phố thăm ông bà, sau mấy ngày hàn huyên, thăm hỏi, ăn uống họp mặt gia đình, tôi sắp xếp quay về nhà. Trước khi chuẩn bị hành lý, má tôi vẫn như ngày nào như khi tôi còn bé, căn dặn đủ thứ nhưng chỉ hơi khác là nhân vật được đặc biệt quan tâm không phải chỉ có tôi mà còn là hai nhóc nhỏ ở nhà. Ngoài những thứ bánh trái bà chuẩn bị (mặc dù tôi không nhận, vì thật ra nhà tôi không thiếu vả lại xách đi về rất phiền phức) bà còn cho tôi những giống cây trồng bà đã sưu tầm qua từng lần đi du lịch, đó là thành quả của bà và nhỏ em dâu mỗi lần đi nhổ trộm tại những resort mà gia đình nghỉ dưỡng.
                                                                                     Sưu tầm
Có ai đời dám bỏ ra tiền triệu để ở những nơi đầy đủ tiện nghi và sang trọng, vậy mà lén lút đi nhổ trộm những cây hoa trồng xung quanh nơi nghỉ, mà cây và hoa có đáng giá là bao; bởi vậy, mỗi khi mẹ chồng, nàng dâu sáng sớm dắt díu nhau đi nhổ trộm không chỉ rình rập sợ quản lý, lễ tân bắt gặp mà quan trọng là sợ cậu em trai nhà tôi; vì em tôi không đồng tình trước sở thích kỳ lạ của mẹ, của vợ và ngay cả của bà chị hai là tôi. Em đã từng nói với má tôi  rằng“ Má thích loại cây gì con chở má đi mua, chớ đừng làm như vậy kỳ lắm”. Em tôi có hiểu đâu cái cảm giác kỳ quặc mà những kẻ trộm như má con chúng tôi đã hành xử, một nhúm hoa mười giờ đủ màu; một vài gốc hoa dừa cạn; một cây cọ nhỏ xíu hay…miễn là cây, hoa nhỏ nhỏ, xinh xinh là đốn tim ba người phụ nữ nhà này; có nhiều khi tôi đã đánh liều thò tay vào vũng bùn trong hồ để lén nhổ gốc hoa súng kiểng để rồi thụp thò trốn anh bảo vệ khu resort như rình kẻ trộm. Nhớ lần cả gia đình nghỉ ở resort  SeaLink Phan Thiết, sáng năm giờ mọi người còn đang say ngủ trong phòng, tôi và má chuẩn bị bọc nilông từ đầu hôm để đựng cây. Có nhiều nhặn gì, chỉ toàn giống hoa mười giờ của Thái Lan đủ màu sắc, giữa khí hậu nắng nóng ở vùng biển, hoa mười giờ trãi dài như một tấm thảm khoe sắc, thật là một bức tranh tuyệt tác của thiên nhiên; vậy đó, chỉ là hoa mộc mạc, rẻ tiền mà giữa không gian biển xanh nắng vàng, giữa mênh mông đầy cát, gió lộng khu nghỉ dưỡng như là cõi thần tiên, yên bình làm cho mọi người quên đi những nhọc nhằn, vất vả và hoa, lá cỏ cây nó làm rung động biết bao con tim của mọi người, trong đó có tôi, má và nhỏ em dâu. Bây giờ nghĩ lại những giây phút đi nhổ trộm ấy, sao mà vui, hạnh phúc cực kỳ. Đến khi chất đồ lên xe để ra về, cánh phụ nữ chúng tôi phải gói ghém thật cẩn thận để cậu em trai không nhìn thấy những cây hoa nhổ trộm, nếu nhìn thấy coi như rằng phải bỏ lại, mặc cho má tôi có dùng tiếng nói đầy uy lực của một bà mẹ, em tôi vẫn kiên quyết bỏ lại với giọng nói hằn học một điệp khúc quen thuộc “về nhà con mua cho má tha hồ mà trồng, làm chi cái điều này…”
                                                                                   Sưu tầm
Em tôi đâu biết rằng, được tận hưởng cái cảm giác nhổ cây về chăm chút tưới bón khi cây sống được, rồi ra hoa nó quý biết dường nào, mà đâu phải cây nào cũng sống và ra hoa dễ dàng, mà mỗi loại cây là một kỷ niệm mà má tôi đã đi đến; hễ cây nào không sống nổi hoặc vô tình khô héo là má tôi tiếc vô cùng. Bởi vậy, đến thời điểm này trên sân thượng ba má trồng rất nhiều loại cây hoa trái; mặc dù mỗi lần phải leo tận lầu ba để tưới và chăm sóc nhưng ông bà không bao giờ than vãn.
Tối qua, con gái gọi điện về kể “Mẹ ơi, ngày hôm qua ông bà gây một trận kịch liệt, nữa đêm bà bật dậy và đánh thức ông cho bằng được để hỏi cái giỏ cây kiểng màu xanh lá của bà đâu mất rồi” Ông bật dậy trả lời trong cơn ngáy ngủ, ông không biết gì cả, bà đổ thừa do ông làm cây chết nên giấu biệt cái giỏ cây kiểng đó…và rồi hai người gây nhau đến sáng, rồi thì ông bà lôi từ chuyện ngày xửa ngày xưa ra để đổ lỗi cho nhau, cảm giác như hai bên bất phân thắng bại…con bé kể rất ư là hào hứng, tôi ngắt ngang hỏi “Tại sao con không can ông bà”, con bé cười ngất trong điện thoại “Làm sao can được hả mẹ, mẹ cứ tưởng tượng nếu như ông bà có hai cây gươm trong tay thì có thể hai người xông vào luôn đó..” kể đây để biết rằng má tôi quý cây cỏ như thế nào, mất một giỏ hoa nhỏ trong vô vàn các loại vậy mà bà vẫn nhớ, bà nắm được từng chi tiết, từ đặc điểm của cây, loại ưa nắng, loại trong bóng râm, loại tưới phun sương loại tưới phải ngập hết gốc…Nghe con bé kể tôi lật đật tắt máy và gọi liền về cho bà “ Má ơi, cái giỏ đó con thấy dễ thương nên con lấy đem về PR trồng rồi nè” má nghe xong mừng rồi cười hớn hở “vậy hả con, vậy mà má tưởng ba mầy làm chết nên giấu má, mầy không nói má một tiếng làm má đổ thừa cho ba mầy, thôi con lấy thì ổn rồi”  Vậy đó, tình yêu thiên nhiên, cây cỏ hoa lá tôi được thừa hưởng gien của hai vị tiền bối này. Sau đó, tôi cũng gọi liền về cho ba, đầu dây bên kia ba tôi còn giận với giọng nói lắp bắp run run “Vậy mà má con đổ thừa cho ba, ba dằn lòng dữ lắm…”
                                                                                  Sưu tầm
Thế đó, hai người lớn của tôi có những câu chuyện nho nhỏ thật là dễ thương nhưng đối với hai người nó còn là việc sống còn của những mầm cây yếu ớt, là niềm vui lúc tuổi già
Nhìn ra ngoài sân, giỏ cây kiểng tôi đem về với những chiếc lá nhỏ xinh xinh như ngón tay em bé, nó là niềm vui, là mầm sống, là những kỷ niệm mà hai người bạn lớn của tôi hàng ngày gởi vào trong đó
Gió vẫn thổi, trời vẫn trong xanh, cây vẫn ngập nắng vàng, niềm vui, mầm sống của con người chỉ cần như thế cũng là quá đủ đầy đối với những tâm hồn yêu thiên nhiên như ba má./.
                                                                           Bảo Nghi

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Hạnh phúc không chỉ là điểm đến mà còn cả hành trình...

Con bé gọi điện về “Mẹ ơi, ông nói cả nhà mình nhanh nhanh đi vào thành phố để cậu ba chở về luôn, không đi xe ngoài...” trong tâm trạng thất vọng con bé nói “Mẹ xin với ông cho tụi con được đi xe ngoài đi mẹ”. Thế mới biết, cuộc sống không phải là những đặt để ước tính theo ý mình; đâu chỉ tiện lợi, sung sướng mà mọi người thích, đôi khi vất vả, chật vật nhưng đem đến cảm giác mới lạ, đem đến những trãi nghiệm thú vị mà ta sẳn sàng chấp nhận. Có những khi ta ước ao được làm chủ một chiếc xe bốn bánh được tự do đi đến những nơi mà mình thích và tự do lựa chọn thời gian nhưng cũng có lúc ta lại thích cái cảm giác chen lấn, ồn ào …rất đỗi đời thường là được nằm trên chiếc xe khách giường nằm với đủ thứ tạp âm, hình ảnh hổn độn…diễn ra xung quanh. Con bé triết lý “ Hạnh phúc không chỉ là điểm đến mà còn có cả hành trình đó mẹ !”. Tôi thông cảm và hiểu cảm giác của hai bạn nhỏ ở nhà, vì tôi đã từng trãi qua cảm giác thật dễ thương ấy; mặc dù có người không hiểu như ông bà ở nhà chẳng hạn. Ông bà sợ con cháu đi xe khách vất vả, nguy hiểm (xe khách bây giờ thường tổ chức đi vào buổi tối).
                                                                                     Sưu tầm
Để muốn về quê ăn tết, gia đình chúng tôi phải đi qua hai chuyến xe; một, từ nhà vào thành phố; hai, từ thành phố về miền tây. Miền tây, miền quê sông nước của mẹ, nơi mà bọn trẻ lúc nào cũng háo hức mỗi khi có dịp trở về. Và tuyến đường từ thành phố về quê, ông bà bắt buộc các cháu vào thành phố để cậu ba tụi nhỏ chở cả gia đình về chung cùng đợt. Tôi hiểu cảm giác của các con, cảm giác được tận hưởng không gian mà mình yêu thích và không phải cảm giác này ai cũng có được, hình như hai người bạn nhỏ của tôi thấp thoáng có Gen di truyền của mẹ, một chút bốc đồng, một chút lãng mạn của những người ưa sự tỉnh mịch giữa cuộc sống bộn bề trăm nỗi xô bồ.
Mỗi khi đặt vé xe khách, lúc nào nhà tôi cũng đề nghị nhà xe lựa chọn những chiếc giường nằm phía dưới, vì với khoảng cách này bọn trẻ sẽ tha hồ nhìn ngắm cảnh vật xung quanh, chúng thường nói với tôi, cái cảm giác sung sướng và hạnh phúc trên chuyến hành trình của chúng mà ba mẹ không thể nào biết và hiểu hết được; đó là được đặt lưng mình trên chiếc ghế nằm của nhà xe, tai gắn iPhone với những bài hát yêu thích hoặc ipad để lướt web thỏa cơn ghiền (vì điều này trong thời gian đi học hai bạn nhỏ không bao giờ được phép), đặc biệt là ngăn để đồ dưới chân lúc nào cũng có là sữa, là bánh kẹo, là trái cây mà mẹ đã chuẩn bị cho một chuyến hành trình đầy thú vị và trên  hết là tiếng cười nói với giọng đặc sệt miền tây chảo chà chảo chẹt, nhão như cơm nếp của các bà các chị…và rồi còn gì nữa …là hình ảnh màu sắc rực rỡ của phố phường ngày tết, là rộn ràng nhạc xuân được mở hết cở của chiếc tivi được treo trên đầu nhà xe…Ôi ! với khung cảnh dòng người đông đúc, lũ lượt kéo nhau về quê ăn tết, nó đã trở thành hình ảnh quen thuộc mà hàng năm mọi người đều thấy, đều cảm được không khí của ngày xuân, nó hết sức gần gũi thân thương mà chỉ có những người con xa quê mới thấu hiểu được. Mọi người trên chuyến xe sao quá đỗi dễ thương, dễ bắt chuyện, dễ chia sẻ, dễ giúp đỡ những việc vụn vặt linh tinh trên chuyến đi, một lọ dầu trao tay khi say sóng, một lời mời rất nhiệt tình khi ăn một chiếc bánh (điều này các con không dám nhận quà từ người lạ), một câu hỏi thân tình em ở đâu, đoạn nào, đường gì… ?
                                                                                    Sưu tầm
Thế đó, xe đi về đêm mà có đêm đâu, bọn trẻ thức suốt, vì mẹ đã hứa cả năm miệt mài với việc học, thì bây giờ cho chúng được thỏa thích những gì mà chúng hằng mong muốn, được quyền thức cả đêm để chơi chứ không phải thức để học. Bạn nhỏ sáu múi thì tâm sự với mẹ “Con thích được nằm trên xe để nghe nhạc và nhìn mọi việc xung quanh, đừng ai hỏi chuyện con, không ai được làm phiền con” (ghê chưa !). Quan sát hai trẻ tôi thấy chúng thật sự không ngủ, chúng nhìn bên ngoài với đôi mắt háo hức tò mò, làm sao không tò mò lạ lẫm cho được khi cảnh vật xung quanh khác lạ, đó là khi hừng đông mặt trời đỏ rực từ từ nhô lên từ xa cuối chân trời, mà bầu trời bên ngoài vẫn còn mờ mờ hơi sương, những cánh đồng lúa trãi dài tít tấp vàng óng, với hình ảnh chân quê của cô bác nông dân với nón lá áo bà ba ra ruộng gặt lúa và khi nắng vàng lên bầu trời lại xanh ngắt đẹp như trong tranh vẽ mà nếu không có chuyến đi như thế này thì không bao giờ tụi nhỏ thấy được đất trời quê ngoại đẹp như thế nào. Còn nữa, đó là những cây mai vàng trước sân mỗi ngôi nhà miền tây đều trổ hoa vàng rực và cơ man biết bao nhiêu là sông rạch chằng chịt. Miền tây là miền của sông nước nên từ thành phố về quê của ông bà phải qua hai chiếc cầu thế kỷ “cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ”. Hai chiếc cầu này đã thay thế những chuyến phà đã qua bao đời con cháu của cư dân chín tỉnh đồng bằng, những chuyến phà bây giờ đã đi vào ký ức và hoài niệm của người dân miền tây và nó đã trở thành nét đẹp sông nước, là văn hóa miệt vườn mà không dễ mọi người quên được. Hai chiếc cầu hiện đại, sừng sững đã làm cho trái tim của bọn trẻ thổn thức, kinh ngạc thích thú. Còn nữa, còn con đường cao tốc chạy theo tốc độ được quy định làm cho bọn nhỏ phấn khích tột cùng, con đường này được thay thế cho con đường ngày xưa mà chị em tôi thường đi lên thành phố học, đó là con đường với bụi mù mịt đầy ổ gà, mỗi khi về đến nhà là người như bị tra tấn với mình mẩy ê ẩm, nào là khói, là bụi, là hơi người…tất cả hình ảnh ngày xưa đã đi vào quá khứ nhưng chúng tôi, những đứa con sông nước miền tây thời ấy đều phải chạnh lòng nhớ lại một thời đã qua.
                                                                              Sưu tầm
Những chiếc ghe chở đầy hoa vạn thọ, hoa cúc vàng rực cả một khúc kênh rạch, ghe chở đầy dưa hấu, bưởi, thanh long, xoài cát hay quýt tiều…làm cho buổi sáng ven đường của những ngày cận tết ở miền tây nhộn nhịp như chưa bao giờ nhộn nhịp hơn nữa. Hỏi làm sao mà không nhớ da diết, hỏi làm sao mà không cảm thấy bồi hồi. Tiếng lòng hai chữ quê hương làm cho mọi đứa con xa quê khắc khoải nỗi niềm …
Thế đó, một chuyến đi dành cho các con, một chuyến đi với nhiều tình cảm, cho con nhiều trãi nghiệm thú vị…
“Hạnh phúc không chỉ là điểm đến mà còn có cả hành trình đó mẹ ! ”
                                                                                                                         Bảo Nghi

Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

Đâu là tất cả ?

          Hai vợ chồng ấy (tôi nghĩ thế) cứ khoảng đến 11 giờ 30 phút là đã có mặt trước công viên nhà tôi, mỗi lần đi làm về tôi đều thấy họ. Trước công viên là hàng cây rợp bóng mát nên thỉnh thoảng buổi trưa có bác xích lô hay bác tài taxi đậu xe để nghĩ trưa. Đôi khi công viên trở thành nơi tụ tập của những thành phần vô gia cư và đã không ít làm phiền đến những hộ dân sống xung quanh. Cũng như đôi vợ chồng họ, đôi lúc như một đôi chim câu cun cúc bên nhau nhưng có lúc sự chăm sóc lẫn nhau của họ một cách thái quá đã gây khó chịu cho những người xung quanh. Riêng tôi, mỗi khi đi làm về nếu vắng họ hoặc thấy có sự hiện diện của một người trong họ tôi cũng đâm phân vân và tự hỏi, vì sao họ vắng mặt. Họ thường xuyên nghĩ trưa tại đây, tôi xem sự hiện diện của họ là một điều hiển nhiên, bình thường trong cuộc sống.
          Chị khoảng trạc tuổi tôi, gương mặt hiền hiền, đi mua ve chai bằng chiếc xe đạp không thể nào còn cũ hơn được nữa, trên xe chất đầy mọi thứ có thể, chiếc xe như một ông lão già nua gồng mình trước sức nặng của những bao tải vác lên mình. Chỉ khi chị dừng xe dưới gốc cây, cởi hết áo khoác, khẩu trang tôi mới được thấy chị, cái nét bẽn lẽn chân chất của cô gái quê vẫn không thoát khỏi, vẫn cái màu áo bạc phếch nhưng sạch sẽ nó trở thành hình ảnh quen thuộc trong mắt tôi mỗi khi chạy xe về hay mỗi khi bắt đầu dẫn xe ra cổng để đi làm. Còn anh chồng tôi đoán không lầm thì chạy xe ôm, dáng cao dong dỏng, áo quần tươm tất và khi nào cũng đều có điếu thuốc trên miệng.
     
                                                                                                                   Sưu tầm
      Trưa về, tôi thấy họ bày thức ăn đã được nấu sẳn từ hai cặp lồng nhựa, hai chai nước khoáng được đựng với loại nước vàng vàng (tôi nghĩ là nước trà). Nhìn thoáng qua, mới biết được người phụ nữ này rất chăm chút bửa ăn. Vừa ăn họ vừa nghe những bản nhạc bolero sướt mướt từ chiếc điện thoại đã cũ mà người đàn ông bật lên, đôi khi họ rúc rích cười, rồi rù rì to nhỏ, nhìn họ như một đôi chim câu quấn quýt. Thỉnh thoảng tôi lại thấy chị nhổ tóc bạc hay cắt móng tay cho chồng. Giờ nghĩ trưa nhưng khi nào cũng là hình ảnh của chị ngồi, còn chồng thì nằm trên chân của chị, cái cách nằm của người chồng cũng không thể thoát được hình ảnh của một người đàn ông gia trưởng. Chồng nằm đó vừa lim dim vừa rung đùi nghe nhạc đôi khi phì phèo thuốc lá, sự nhàn hạ của người đàn ông và sự chăm chút của người đàn bà vẫn là cố hữu trong cuộc đời. Và khi 13 giờ 15 phút tôi dẫn xe ra là họ lại lên đường mưu sinh. Trong tôi, cảm giác lẫn lộn giữa cái thích và khó chịu, thích vì cuộc sống này có quá nhiều cái không chân thật nhưng ở họ vẫn còn tồn tại cái dễ thương, gắn bó mà không phải đôi vợ chồng nào có được; còn khó chịu vì dù khó khăn tận cùng thế nào thì hình ảnh của người đàn ông cũng thể hiện cái tôi của mình, cái mà ông trời luôn đặt để, họ cần một bàn tay chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ tuy dù công việc cả hai người nặng nhọc như nhau
        Thời gian họ đến nghĩ trưa tại đây khoảng độ hai tuần, rồi sau này tôi không thấy họ nữa, thỉnh thoảng đi chợ tôi gặp người chồng chở rau quả thuê cho mấy bà bán trong chợ. Vắng họ công viên vẫn thế, vẫn mát mẻ, vẫn thoáng đãng và không làm khó chịu một vài người khó tính...nhưng trong tôi, có lúc tôi chợt buồn, chợt nhớ họ, vì ở họ cho tôi thấy rằng cuộc sống dù khó khăn đến đâu vẫn còn những đôi còn yêu thương nhau, lo lắng cho nhau tuy dù chỉ là những cử chỉ chăm sóc rất đỗi bình thường.
         Và có một ngày chủ nhật tôi đi chợ, đang trong lúc lựa chọn mớ rau tôi nghe xung quanh hò hét rất lớn và trái cây, rau củ ở đâu cứ bay tung tóe gần bên tôi, ngước nhìn, tôi thấy mọi người ồn ào, chen lấn...lại một cuộc đánh nhau xảy ra tại chợ nhưng hôm nay theo lời chị bán rau sau khi thăm dò câu chuyện đã kể lại cho mọi người xung quanh, đó là một trong những trận đánh ghen thường xuyên của hai người đàn bà. Nghe thế rồi tôi lại tiếp tục đi mua sắm, tôi cũng không để tâm lắm những vụ việc thế này nhưng hình ảnh của chiếc xe đạp chở đầy ve chai nhôm nhựa bị hất tung giữa chợ, hình ảnh người phụ nữ mặc bộ đồ quen thuộc lam lũ mà tôi đã từng mong gặp lại, đang hiển hiện trước mắt tôi, chị - người phụ nữ đã bị người vợ lớn đánh ghen.
        Có phải là chị không, tôi vẫn mong không phải là chị và từ đàng xa, ngay hàng thịt, người đàn ông mà mỗi trưa nằm rung đùi, hút thuốc, nghe nhạc sến và có người phụ nữ kề bên nhổ tóc bạc bây giờ đang lầm lũi lượm những mớ rau cải mà vợ mình vừa xô xát vừa hất tung tóe, cái dáng gia trưởng mất đi đâu để nhường chổ là hình ảnh nhu nhược, hèn hèn khi để cho hai người đàn bà đánh nhau.
        Hôm ấy khi đi chợ về, tâm trạng tôi thật nặng nề khó tả, hình ảnh chị áo quần rách bươm, ngồi ôm đầu gục giữa chợ làm cho mọi người xót xa nhưng cũng có người đay nghiến, họ nguyền rủa "cho chết cái tội lấy chồng người".
        Cuộc sống là như thế !Hình ảnh của chị làm niềm tin trong tôi bị vỡ vụn !!
                                                                                                                      Bảo Nghi