Cha cô tuổi Dần, cái tuổi của con vật đứng đầu trong mười hai con giáp,
uy nghi, dũng mãnh và đầy uy lực. Nếu nói về tâm linh thì cô cũng tin là đúng,
vì từ cha, cô thấy rõ hơn tính cách của người đàn ông vận theo tuổi của con vật
chúa tể trong các loài. Cha cô là người ít nói, ít chia sẻ, theo như mẹ cô từng
than thở tâm sự, càng sống càng thấy ông bộc lộ tính cách gia trưởng. Với cảm
nhận của người con, cô thấy rằng tình cảm yêu thương các con ông để ở trong
lòng, ông không thể hiện, bày tỏ như những người xung quanh, ngay cả bây giờ,
khi đã có những đứa cháu nội, ngoại rất dễ thương đáng yêu nhưng ông cũng hiếm
khi hôn các cháu, mặc dù ai cũng đều biết ông rất quý và yêu thương con cháu vô
cùng. Trong cô, cô cảm nhận sâu sắc tình cảm của cha qua từng lời nói, từng cử
chỉ, hành động mà có lẽ nhiều người bên ngoài khó mà nhận biết được. Đối với gia đình bên vợ ông là người con rể rất
được cha mẹ và các anh, chị em vợ quý mến, mặc dù gia cảnh khi ông cưới vợ không
khá giả như những người con rể khác trong gia đình nhưng ở ông là cốt cách, là
tư chất mà ở đó mọi người khi tiếp xúc phải nể nang. Ông có dáng vóc phong lưu,
nho nhã, có trình độ xã hội nhất định cộng với cách ứng xử ăn nói nhỏ nhẹ nhưng
đầy cương trực ông được sự tin tưởng cảm tình và thân thiện của mọi người xung
quanh. Nếu nói như ông bà ta ngày xưa ”Rể là khách, dâu là con” thì ông chính
là một người khách quý trong gia đình bên ngoại của cô. Cô vẫn nhớ thời gian
còn nhỏ khi gia đình cô còn gặp khó khăn, cha mẹ cô phải cùng sống chung với
gia đình ông bà ngoại và các cậu dì, không bao giờ cô thấy ông buôn chuyện với
các cậu dì khi rảnh rỗi, lúc nào đi làm về ông đều lên căn gác để đọc sách hay
dạy chị em cô học bài, chưa bao giờ cô thấy ông mặc những chiếc quần đùi ngắn
khi xuống nhà gặp ông bà hoặc cậu dì, ông sống rất kín kẻ và luôn giử ý tứ, nghe
mẹ kể lại ông bà ngoại rất quý trọng ông, ở ông là sự mực thước, tự trọng trước những mối quan
hệ gia đình và xã hội.

Sưu tầm
Mẹ kể, mẹ yêu ông vì tư chất của ông
và vì ngày xưa ông cũng quá đẹp, sự hào hoa, lịch lãm đã làm cho mẹ cô, người
phụ nữ trong một gia đình trung lưu nề nếp thời ấy phải đổ. Mẹ đã yêu ông vì
những điều đó và chính những điều đó cũng làm cho mẹ khi về sống cùng phải đau khổ, dằn vặt…vì
xung quanh ông vẫn có nhiều hình bóng phụ nữ sẳn sàng đến với ông một cách tự
nguyện…nhưng ở mẹ là sự thông minh, chịu đựng, nhẫn nhịn, yêu chồng thương con
và trên hết là sự bản lĩnh.
Để nói về nước mắt thì mọi người thường
nghĩ ngay đến nước mắt của phụ nữ, … nhưng hiếm khi họ nghĩ đến giọt nước của
người đàn ông, mà hiếm hơn là nước mắt của một người đàn ông lạnh lùng, ít thể
hiện được bản chất của mình ra bên ngoài, rất khó để một người đàn ông phải
chảy nước mắt và điều đó càng khó hơn với cha cô nhưng … “Cha cô đã khóc!”
Nghe mẹ kể, trong cuộc đời làm vợ của bà cho đến bây giờ bà là người duy
nhất phát hiện chồng mình khóc vì khi khóc ông không cho ai phải thấy ông như
thế. Lần đầu tiên ông rơi nước mắt là ngày đưa tang bà nội của cô, người bà
gồng gánh một mình nuôi bảy người con chỉ với một chiếc cối xay bột làm bánh.
Ông nội mất khi cha cô còn rất nhỏ, bao nhiêu khó khăn,vất vả của mẹ ông điều
chứng kiến, đến khi cuộc sống của ông được an nhàn và khấm khá thì bà lại bạo
bệnh ra đi, điều đó đã dày vò lương tâm của ông trong những ngày bà nằm trên
giường bệnh. Bà ăn chay trường nên khi đổ bệnh bà không cón sức đề kháng để
chống chọi với bệnh tật, bà ra đi nhanh và rất nhẹ nhàng, không làm phiền con
cháu, lời cuối cùng bà nói “Các con không được khóc và không được nhận tiền
phúng điếu !”. Bao năm tháng người mẹ tảo tần hy sinh ngần ấy năm để nuôi đàn
con thơ dại, đến khi các con đủ khả năng để phụng dưỡng cho mẹ thì bà lại vĩnh
viễn ra đi, cha đã khóc vì điều đó. Lần thứ hai, làm người đàn ông cứng rắn,
lạnh lùng rơi nước mắt là ngày cô đi lấy chồng, ông thương con gái lấy chồng xa,
thương con gái còn non trẻ chưa vững vàng và kinh nghiệm cuộc sống, ông thương
con gái phải làm dâu người ta. Sau này về thăm nhà cô mới được nghe mẹ mình kể
lại, cha cô là vậy đó, nếu được bày tỏ ra hết bên ngoài với tất cả những cảm
xúc hỉ, nộ, ái, ố thì có lẽ con người ta sẽ nhẹ nhàng và trút bỏ bớt ưu uất đi rất
nhiều. Ngày cô mặc áo cưới, bao lời chúc phúc, ngày cưới với họ hàng, bạn bè
gần xa, ngày cưới của con gái cha âm thầm chuẩn bị, ngày cưới của con gái bên
ngoài tiếp khách rộn ràng nhưng bên trong cha lặng lẽ khóc và chỉ có vợ, người
bạn đi suốt một quảng đường đời với ông mới nhận ra điều đó, ông nhìn bà và nói
“con mình đã lớn !”.

Sưu tầm
Những năm tháng lấy chồng xa hầu như
cách hai hoặc ba ngày ông hoặc bà đều chủ động gọi điện thoại cho cô, có nhiều
khi hết chuyện để hỏi ông cũng bấm máy và đưa máy cho bà nói chuyện “Bà nè, nói
chuyện với con gái cả đi”. Ông và các con nói chuyện lâu không quá năm phút,
hình như có một cái gì đó giữa ông và các con không thể cởi mở nhưng ông rất
thích ngồi kế bên mẹ cô để lắng nghe cuộc nói chuyện giữa các con với mẹ, cha
cô là thế, người đàn ông trong lòng của các con. Ngày ông bệnh phát hiện khối u
trong phổi, gia đình, bà con nội ngoại xa gần đều thảng thốt, những cuộc viếng
thăm liên tục từ quê lên thành phố, những cuộc viếng thăm càng làm cho con cháu
hoang mang cực độ nhưng qua đó cũng cho thấy rằng đối với dòng họ nội ngoại ông
là người được yêu quý kính trọng nhiều nhất
Từ cuộc sống, từ phim ảnh có bao nhiêu
mẫu chuyện thật sự xúc động làm lay động lòng người, nó làm cô đã từng khóc vì
những cảm xúc đó nhưng có một điều mà cô không thể lý giải được mỗi khi nhớ đến,
nó làm cô đau, nghẹn ở trong lòng, đó là giọt nước mắt của cha, nước mắt đàn
ông !
Có người từng nói rằng “Nước mắt là ngôn
ngữ câm lặng của đau buồn”
Có phải thế không ?!
Bảo Nghi