Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Đò ơi ơi...

         Biết bao lần tiếng gọi "đò ơi ơi.." cứ văng vẳng bên tai làm cho người đàn ông từng trãi thảng thốt, chợt choàng thức giấc trong đêm, nhìn ra ngoài trời thấy mênh mông là nước, vầng trăng lưỡi liềm lẽ loi, đơn độc giữa bầu trời đêm, tiếng con cu cườm cúc cù cu trên rặng tre già nghe buồn thảm thiết. Quyết định rời bến đò ra đi là một quyết định thật đau lòng, không hẳn vì nơi đó là miếng cơm manh áo của hai cha con nó, mà là nơi khởi nguồn cho tình cảm mà bấy nhiêu năm cha và mẹ nó có nhau. Nó khóc rấm rức, ti tỉ từ ngày này qua ngày khác, nó là con bé sinh ra vốn dĩ đã có đôi mắt buồn mà bây giờ trong tình cảnh này nó càng buồn hơn. Cuộc sống khép kín, mặc cảm, ngại tiếp xúc với người ngoài làm nó mất đi sự hồn nhiên, thơ trẻ, cha nói nó rất trái ngược với tính cách của mẹ nó, ngay cả cái cách nó cười,  nó nói, hình như nó già trước tuổi.

                                                                             Sưu tầm
        Nó không muốn rời xa cái bến đò này, vì đây là nơi mà hai cha con nó đã sống, đã quen, đã được mọi người yêu thương và gần gũi, mặc cho nó không có mẹ nhưng ở đây là tất cả. Từ khi nó quen được hai mẹ con của bé Mũm, nó quấn quýt, trông chờ mẹ con cô ấy như người ruột thịt, mỗi khi mẹ con bé Mũm gọi đò sang sông không chỉ nó mà ngay cả cha nó cũng lật đật bật dậy trong khi đang ngủ, hình như tiếng gọi đò của mẹ bé Mũm nó khác lạ so với tiếng gọi đò của những người từng đi đò của hai cha con nó
         Cừ tầm trời chưa sáng là các bà, các cô, các mợ tất bật gọi đò sang sông để kịp phiên chợ sáng, với con gà, mớ cá, rổ rau...mỗi thứ một chút của cây nhà lá vườn làm cho chợ quê rộn ràng không thua gì chợ huyện. Và như một thông lệ, chuyến đò thứ ba là đến phiên mẹ con của bé Mũm, vài lần đầu là một sự ngẩu nhiên nhưng sau đó như một thông lệ bất di bất dịch, mặc cho thời tiết hôm đó có thay đổi thế nào thì nhất nhất chuyến đò thứ ba đều có mặt hai mẹ con bé Mũm, hôm nào mà đến chuyến đò thứ ba không thấy hai mẹ con ra bến,  không riêng gì nó mà ngay cả cha nó cũng rất lạ, cha hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác và lần lữa chưa muốn rời bến, đến khi mọi người trên đò nóng ruột nhắc nhở cha nó mới buông dầm chèo đò sang sông. Nó yêu người phụ nữ này, yêu cái cách cô ngồi lặng lẽ giữa đám đông, nhìn cô lạc lõng với gương mặt buồn buồn, phảng phất cái gì đó thật khó tả mà cở tuổi như nó không thể nào hiểu nỗi, chỉ biết rằng nó mơ hồ thấy rằng mình giống cô ấy, giống cái sự lẽ loi, đơn độc và cam chịu. Hằng đêm nó hình dung và tưởng tượng hình ảnh của mẹ nó là như vậy, trong suy nghĩ mẹ nó là như thế, hiền lành, dịu dàng và khác biệt so với lời kể của cha, còn riêng đối với cha, nó thấy thỉnh thoảng cha nhìn trộm cô ấy, trong ánh mắt của cha nhiều khi thật khó tả, đau đáu một nỗi niềm... Mọi người đều nói cha không ưa phụ nữ từ khi mẹ nó bỏ đi, bao nhiêu người đã đến vói cha, có tự nguyện, có mai mối nhưng cha vẫn hững hờ, trong cha biểu hiện sự chán nản và đôi lúc căm ghét phụ nữ nhưng đối với mẹ bé Mũm cha lại có thái độ rất khác lạ và kỳ quặc; có lúc cha cứ hỏi nó hôm nay bé Mũm có báo sang sông không, còn có lúc nó vui khi kể chuyện của cô ấy thì cha lại quát mắng nó không thương tiếc và cấm nó không được nhắc đến hai mẹ con đó. Nó đã khóc thật nhiều, nó yêu và nhớ hai mẹ con cô ấy, vì sao cha lại ác thế, cha không cho nó có người mẹ thì ít ra cha cũng nên để người khác thương nó. Rời xa bến sông này nó cảm giác tâm hồn mình mất mát cái gì đó thật ghê gớm, cảm giác hụt hẫng thật khôn tả, khúc sông này đã nuôi sống nó từ tấm bé, giờ đây trong giờ phút chuẩn bị rời xa bến sông, nơi đã gắn bó cuộc đời nó, quyết định ra đi của cha làm tâm hồn non nớt của nó vỡ vụng. Nó lờ mờ hiểu ra rằng vì mẹ con bé Mũm mà cha nó quyết định rời khúc sông này.
   
                                                                                                                Sưu tầm
          Hết rồi những ngày tháng bên sông khi nước ròng nước cạn, hết rồi những buổi trưa hè ngồi bên bến sông để nhìn những hoa lục bình tim tím trôi xuôi dòng nước, hết rồi những mùa giông bão cha cùng mọi người chèo chống vượt qua lũ dữ, hết rồi những đêm trăng thanh mặt sông lấp loáng như dát bạc cha hát dạ cổ hoài lang nghe như đứt từng khúc ruột.
            Người lớn thật khó hiểu, đâu phải khi người ta để ý đến nhau, thương nhau là chung một mái nhà và đâu phải gặp nhau cười nói rộn ràng là thương yêu quấn quýt...chỉ có ánh mắt là không thể nói dối ...bây giờ nó đã lớn, nó hiểu hơn ánh mắt của một người đang yêu thương như thế nào, như nó đã từng bắt gặp ánh mắt của cha mỗi khi nhìn mẹ bé Mũm nhưng trong đó còn là sự dằn vặt, đớn đau của một tâm hồn bị tổn thương...khi nhìn phụ nữ cha không thể thoát ra được hình ảnh của mẹ nó và vì thế mới có một con đò lại rời bến xuôi dòng...
           Ngày đi, mẹ con cô ấy đứng bên sông đưa tiễn, lần đầu tiên nó thấy cô ấy mĩm cười với cha nhưng đôi mắt thì thật buồn và cha đã tránh đôi mắt day dứt ấy, cô quá đỗi dịu dàng, quá đỗi thân thương nhưng sao cha cố tình lãng tránh, nó tự hỏi lòng và cứ tỉ tê khóc trên suốt con đường đi về bờ sông khác, nó hờn cha, nó hờn mọi người, hờn con sông quen thuộc này sao không giữ được chiếc đò của hai cha con nó

            Ngày nó về nhà chồng cha vẫn lẽ bóng đơn độc, lần đầu tiên nó hỏi cha: Tình yêu là gì mà sao người ta phải khổ, tình yêu là gì mà cứ âm ỉ chịu đựng đến cuối đời, vì tình yêu cha để vuột mất mẹ và tình yêu cha lại trốn tránh cô ấy...
            Thời gian lặng lẽ trôi....bây giờ cha đã gần bảy mươi tuổi, một lần về thăm, cha nói với nó, đến bây giờ cha vẫn không quên được tiếng gọi đò của cô ấy, cũng "đò ơi ơi.." nhưng sao rất lạ, rất riêng mà chỉ có cha nó mới nhận biết trong vô vàng tiếng "đò ơi ơi..." của những người gọi đò sang sông
            Chỉ là một tiếng "ơi ..!!."thôi mà sao khắc khoải cả đời người !
                Đò ơi ơi.!.

                                                                                                    Bảo Nghi




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét